Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

Về một chuyến đi

Chiếc xe đưa tôi và một số đồng môn còn lại về địa điểm cuối cùng : Nhà Trần Thị Nghĩa, kết chúc chuyến đi Hàm Tân : Một chuyến đi về. Nhưng không chỉ mang ý nghĩa một chuyến đi đơn thuần. Đó là một cuôc hành trình về với con tim, và khối óc Nguyễn Hoàng.

Hình ảnh thầy Thăng, mái tóc bàng bạc như mây pha ráng chiều, cao to bên vóc dáng nhỏ thó của người vừa là thầy, vừa là đồng nghiệp: Thầy Lê Văn Quýt, mới nao lòng làm sao. Không thực tế bằng mắt, không nghe bằng tai, có lẽ khó mà cãm nhận hết ý nghĩa của ngày 1 tháng 1 vừa qua. Một ngày đầu năm, thời tiết rất êm dịu, nhóm anh chị em Nguyễn Hoàng SG chúng tôi, đã làm được những kỳ tích tuyệt vời. Xin đừng cho rằng tôi đang ngoa ngữ, hãy đọc và cảm nhận bằng chính trái tim, các anh chị sẽ hiểu vì sao tôi cho thế...

Khởi đầu từ suy nghĩ của thầy Lê Hữu Thăng, một old Nguyễn Hoàng tâm huyết. Luôn ray rức cho số phận, cho gắn bó của tình thân Nguyễn Hoàng. Từ truyền thống tập thể, đến từng hoàn cảnh mỗi một con người, và cả thế hệ cháu con, thầy sắp xếp, phát sinh bằng tư tưởng và cụ thể hóa hành động một cách rõ ràng. Thầy lại tiếp tục dạy chúng tôi, hướng dẫn chúng tôi dù luôn luôn thầy nhắc nhở: Đừng coi tui là thầy (nghe chưa?) mà hãy coi tui là HS NH (nghe chưa?). Thưa thầy! Em đã nghe rõ ràng, rất rõ và hiểu rất sâu sắc ý nghĩa lời thầy.

Anh chị em NHSG chúng tôi cùng nhau về Hàm Tân, mừng thọ 90 cựu Giáo Sư Pháp Văn Lê Văn Quýt. Tôi nghe như văng vẵng bên tai, đồng vọng tiếng thầy Thăng:

Thầy Quýt năm nay đã 90, đang còn minh mẫn, nếu tổ chức mừng Thọ, thầy sẽ vui và hưởng được tình thầy trò, chứ để sau nầy nào ai biết ra sao ...Tui thấy mình cũng đang già đi theo thời gian, năm sau hay vài ba năm nữa, sức khỏe biết thế nào, có về được hay không...”

Vậy là thầy trò đồng lòng, đồng chí...bắn tin đến các anh chị NH Hàm Tân, ai cũng thông tình đạt lý và quyết định ngày đầu năm mới tổ chức: Lễ Thượng Thọ mừng thầy Lê Văn Quýt 90 tuổi.

Các anh chị Hàm Tân bắt tay vào việc, nỗi lo khó khăn tài chính như nhẹ đi vì tâm huyết. Nào là anh Trương Tuyến, và một số anh chị nữa tôi không nhớ tên lo ngược lo xuôi. Anh Thái Mạnh Hoài ( NH 64-71) liên hệ tìm chổ vừa ý để nhóm NHSG ở lại. Nào anh Lê Núng đón nhận đoàn với tấm lòng ưu ái trong khu nhà nghỉ tiện nghi, mát mẻ. Anh Nguyễn Văn Tương từ Bà Rịa, xướng lên bài thơ chúc Thọ. Lúc đầu nghĩ đơn giản là món quà tinh thần nhỏ kính mừng thầy, với khoảng mười bài họa hưởng ứng. Dè đâu trái tim Nguyễn Hoàng dù ở đâu, xa xôi đến mấy cũng cùng chung nhịp đập, cùng rộn lên những bài họa liên tiếp gởi về. Thế là tập thơ mấy chục bài nội dung Mừng Thọ ra đời, một món quà tinh thần rất quý, điểm tô thêm ý nghĩa ngày Lễ Thọ của thầy tôi.

Tất cả anh chị em NH mọi miền đất nước có mặt hôm ấy, cũng cảm nhận được niềm hạnh phúc, sự tự hào về đạo thầy trò của những HS cũ, về nghĩa tình Nguyễn Hoàng, trong ánh mắt, giọng nói nụ cười người giáo sư Pháp Văn ngày xưa. Trên cả tuyệt vời. Một ý nghĩa không chê vào đâu được. Các anh chị có đồng ý thế không?

Sự tuyệt vời đến lâng lâng, khởi đầu là không khí chuyến đi. Trên xe, người đầu tàu chính vị thầy có bề dày công tác xả hội : Thầy Lê Hữu Thăng, Văn Thể Mỹ là thầy Lý Văn Nghiên. Đời sống sung túc no của đoàn là công lao lo toan đến từng centimet của chị Thúy An, và chị bếp Mỹ Liên. Một thư ký công đoàn kè kè máy ảnh, để ghi lại những giây phút xuất thần của mọi người: Trần Văn Hảo. Một bầy chim chiền chiện réo rắt đến vui tai: Nghĩa, Chung...Làm nhạc nền cho chuyến xe chở đầy tình nghĩa...

Lúc đi cũng như lúc về, đầy ắp tiếng cười thân thiện. Tấm lòng như mở ra để đón nhận nhau, trân quý nhau. Một anh Hòa tuy ít đi sinh hoạt chung, nhưng tôi vẫn được rỉ tai cảnh giác: anh ấy chĩnh chu, chừng mực từ tiếng cười câu nói, “tụi nhỏ” phải cẩn trọng, đừng ăn nói tùy hứng. Một anh Phùng không kém khó tính, luôn đòi hỏi giới hạn cư xữ theo đúng vị trí. Một anh VK Ngô Hồng chưa tiếp xúc nhiều, nên chẵng biết anh ấy có chan hòa với đám lô nhô, già không đều nầy hay không. Một DS luôn cẩn trọng ăn uống vì sợ vi trùng. Một Đặng Mừng văn vẻ từng chữ từng câu, một Mỹ Liên thích chi nói nấy, NV Trị còn nguyên vẹn tuổi thanh xuân. Và cả tôi, cũng hay bay bỗng theo thời khắc... Liệu sẽ thế nào, nếu chẵng may có chuyện bất đồng xãy ra. Ôi chao! Lo muốn chết đi được.

Tôi đã dự định chia thành hai xe: lâu la nhền nhện một xe ( anh Hòa đặt tên cho nhóm chị Cúc, chị Hoa). Thầy cô, và đàn anh, đàn chị riêng một xe. Tha hồ tung hứng, nói đùa. Nhưng chị Thúy An trấn an:” Không răng mô em ơi! Đừng quá lo, đi chung cho vui” Rứa là chỉ một xe. Lên đường trực chỉ Hàm Tân lúc 5g sáng mồng 1.1.2011. Mở đầu một năm mưa thuận gió hòa. Sung túc ấm áp

Thiệt lòng không biết kể từ mô, phát xuất từ ai mà bao lo nghĩ đã vỡ tan, theo tiếng cười quanh những câu chuyện tiếu lâm. Từ thầy cho đến trò, từ đàn anh cho đến đàn em, trở thành những MC, những quãn trò tuyệt vời. Những câu đố vui treo giải nóng hổi của thầy Thăng, của Đặng Mừng. Có câu phải vận dụng trí tuệ, có câu gợi lại ký ức về Quảng Trị, đến thăm dò tình yêu đầu tiên, ý thích của hai người thầy vui tính, hoạt bát ( Quan sát thấy cô Liên mĩm cười khi nghe những câu hỏi đố quá ư “Tế Nhị” của học trò về ông xã mình, tôi tin rằng nếu cứ sinh hoạt tập thể như thế, khả năng bịnh cô thuyên giảm rất lớn.).

Cô bạn phụ trách ẩm thực: Mỹ Liên xuất chiêu bằng giọng rặt ri Quãng Trị, câu nói thẳng ro kèm âm điệu, tiết tấu và phụ gia thêm mắt liếc ngọt ngào, làm những kỹ niệm xãy ra một thời, là cô tiểu thương buôn gian bán lậu, hay câu chuyện đời thường 100% càng thếm hấp dẫn. Mọi người nghiêng ngã vì cười. Không khí òa vỡ ra theo cung bậc niềm vui thăng hoa. Tôi cũng bốc lên, diễn một màn thương vay khóc mướn, ra câu đố có thưởng ngộ nghĩnh. Đến nỗi anh Hồng vui miệng nói:

“ May cho tôi là thời còn trai trẻ, không đụng phải mấy cô”.

Mỹ Liên trả lời: “ Vì rứa nên tụi em đến 30 thì ế cho đến chừ”.

Không đâu anh Hồng ơi! Quang Tuyết xin thật lòng tâm sự : Tụi em thà ở như ri, buông rơi mãnh tình riêng, sống trong sự ao ước, đem được niềm vui chan hòa đến mọi người, để nhận hạnh phúc bao la từ các anh chị đấy. Khôn chưa?

Xin kể tiếp: Đặng Mừng hôm ấy tuyệt vời ghê, rất duyên và ý nhị kèm theo tiếng cười sãng khoái, khi phõng vấn thầy mình, một vài anh chị NH mình về cả chuyện tâm tư. Nào có ai e ngại? Nào có ai lấy đó làm khó? Chẵng có cái nhíu mày mô cả, dù chỉ một thoáng. Chỉ có niềm vui thân thiết như sóng vỡ bờ. Không có một ai, từ thầy đến trò. Từ anh chị cho đến em út. Như câu trả lời vui vẻ của chị Lê, khi đàn em: Đặng Mừng phõng vấn:

Chị sẽ chịu đựng bằng cách nghiến răng...”

Hay thầy Thăng:

Tui cũng như mấy o, mấy chú. Tui là người trần mắt thịt chứ đâu phải thần thánh chi...”

Trị nói:

“ Thầy thích ăn cà-rem, và thường mua ca rem nhà cô Liên vì thương thầm cô”

Đúng rồi, câu chuyện tình phát xuất từ cây kem lạnh đã trở thành tình vợ chồng ấp áp cho đến ngày nay.

Tất cả mọi người đều cầm Mic. Đều bày tỏ cảm nhận hay góp mặt một câu chuyện. Những giọng nói, tiếng cười phát xuất tự nhiên thoãi mái, nghe ra dể thương và ý nghĩa làm sao. Vâng, Làm sao quên tình cảm các anh: Hòa, Phùng, Tường, Thế và Hảo? Làm sao quên những người chị diu hiền, thân ái: Thúy An, Cao Nguyên, Cúc, Lê, K. Oanh. Ai cũng cảm thấy gần gũi tin cậy nhau, nên bí mật nào, sự riêng tư nào cũng chân thành tâm sự, anh Ngô Hồng thì có một mối tình đã đẹp vì dang dỡ. Lần tìm về gần đây người ấy không còn nữa. Đặc biệt tài lèo lái chuyện của chị Liên Hoa. Từ nỗi lòng riêng về mối tình xưa cũ, chỉ một phút xao xuyến, một cái nắm tay sau mấy mươi năm gặp lại. Đến băn khoăn ân hận khi chợt nhớ đến người chồng vắn số. Chị đã tâm tình với tất cả bằng những câu thơ đậm tình, đậm nghĩa. Rồi cũng từ lời chia sẻ từ chị Liên Hoa, chị Kim Oanh, tôi và mọi người biết thêm về tấm lòng bao dung, thân thương của chị Thúy An đối với bạn bè.

Xe đến địa điểm tổ chức : Nhà hàng HỢP PHỐ rất sớm : 9g45, chặng đường dài qua đi quá nhẹ nhàng. Các anh trong ban tổ chức Hàm Tân đã có mặt đông đủ, đón chúng tôi. Anh Trương Tuyến, anh Nguyễn văn Tương, anh Vũ Phúc (ĐN)...và rất đông quý anh chị khác. Thầy Quýt đón thầy trò chúng tôi với nụ cười, nét mặt rạng rỡ. Ôm choàng thầy Thăng và thầy Lý Văn Nghiên. Rồi quay sang chúng tôi xoa đầu, ôm vai vổ nhẹ: “Giỏi ...giỏi...Tui vui quá”... .Chỉ câu nói ngắn gọn thế thôi, mà chứa biết bao nhiêu niềm xúc cảm. Tôi rưng rưng muốn khóc. Nào phải nước mắt chỉ rơi khi buồn, nước mắt chỉ rơi khi giận...khi sợ hải... Cả niềm vui, hạnh phúc chân thành cũng có thể làm chúng ta phải khóc. Tôi cảm nhận được hạnh phúc trong lòng thầy. Thầy trò Nguyễn Hoàng đã, và đang làm được thêm một việc có ý nghĩa, thực tế trong tình nghĩa thầy trò.

Hãy nghe thầy L.V.Q nói: Tôi vui quá, bây giờ có ra đi, cũng là sự ra đi hạnh phúc trong sự nghiệp làm người gieo hạt...

Nhà hàng nơi anh chị Hàm Tân chọn làm địa điểm tổ chức, là của một Gia Đình Nguyễn Hoàng thân thương : Thầy Lê Hữu Trấp, cùng 5 người con trai, gái đều là CHS NH.

Tôi cùng các anh Hảo, anh Thế và Trị tìm lên thăm thầy và thắp hương tưởng niệm cô. Anh Thế ôm thầy nói trong nước mắt:

Bố ơi! Bố khỏe không?

Sao bố không xuống dự với tụi con cho vui.”

Thầy đưa gói thuốc nói: “ Mấy hôm nay huyết áp lên, phải uống thuốc...” Nhìn di ảnh cô trên bàn thờ, anh Thế lại muốn khóc...Tôi hoảng quá, thắp hương xong vội chào thầy đi xuống nhà...

Buổi lễ diễn ra trong đầm ấp. Tôi vinh dự được chọn một trong những anh chị em lên ngâm diễn bài thơ của mình mừng thọ thầy. Những bó hoa Cúc, Thọ lễ mễ mang ra từ Sài Gòn, tương trưng sự ao ước SỨC KHỎE- TRƯỜNG THỌ của CHS NH gởi đến người thầy kính yêu. Sau bữa tiệc thân mật, nhìn lại đồng hồ đã gần 2g. Đoàn tạm biệt thầy và tất cả anh chị Hàm Tân, lên xe đến nhà nghỉ CAM BÌNH.

Một khu nhà nghỉ thoáng mát, sạch sẽ. Cách biển chỉ khoảng 200m. Mang tên hai miền quê hương thân thương của đôi vợ chồng NH khóa 64-71: Lê Núng. Cam Bình, ghép từ hai địa danh: Cam Lộ và Bình Thuận.

Anh chị tiếp đón chúng tôi rất tình nghĩa, ưu ái. Còn nhã ý mời đoàn ăn bữa cơm tối thân mật, nhưng vì mọi người đã đi chơi lẻ tẻ, nên chúng tôi đành từ chối. Khi mọi người lục tục trở về, thì đã thấy dàn Karaoke,do anh chị gọi người chở đến, phục vụ buổi sinh hoạt đêm thay lửa trại không thự hiện được, như trước đây dự tính,

Một đêm hát hò vui vẻ, mọi người toát ra tất cả sở trường của mình. Các anh lớn tuổi thì đánh cờ say sưa, không hề chút mệt mỏi. Vợ chồng cô bạn NH cùng khóa với Chung, Nghĩa ở Lagi, lúi húi cả buổi sáng làm bánh bột lọc mang ra chiêu đãi. Mộng con thầy Quýt thì cung cấp bánh dừa, bánh bột lọc gói...Thêm thức ăn khô chị Thúy An . Một bữa tiệc thịnh soạn. Và cuộc vui bắt đầu từ dàn máy, đến guitar thùng, nhạc công bất đắc dĩ, với các ca sĩ vượt thời gian...Khi tôi trở về phòng đã quá nửa đêm, các anh và một số chị vẫn còn rôm rả chuyện trò, quanh chiếc bàn nhỏ ngoài hoa viên nhà nghỉ.

Sáng sớm chưa tỉnh giấc, đã nghe lao xao ngoài cửa phòng. Bích thủ quỷ định đi dạo biển sớm, ngắm mặt trời lên để ước duyên tình muộn. Nhưng cổng nhà nghỉ chưa mở, nên cô nàng đành loanh quanh trong sân. Chúng tôi qua đập cửa đánh thức các anh chị. Cùng kéo nhau đi bộ ra biển. Trên đường đi, cô bạn Mỹ Liên lại xuất thần đóng vai người bán bóp: “ Bóp đây!!!Ai mua bóp khooong! Bóp trên 10.000, bóp dưới 20.000 đâyyyy” Mọi người lại có thêm tràng cười thú vị.

Hôm ấy biển đầy sóng, nên không ai dám tắm. Chúng tôi chỉ ghi vài hình ảnh biển Lagi cùng ánh mặt trời của một ngày mới đầu năm, rồi các chị lại kéo nhau ra chợ ăn quà vặt. Chúng tôi cùng thầy cô thong thả cuốc bộ đi ăn sáng, uống cafe. Những tô bún thơm ngon, đậm mùi vị Quảng Trị, nhờ các anh chị như Trị, Kim Chi, Mỹ Liên..Nghĩa nhào vô bếp phụ cô bán hàng.

10g xe lăn bánh trở về. Lời ca tiếng hát lại vang lên. Câu chuyện vui buồn lại tiếp tục. Cô giáo Giáng Hương tự nhủ:

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui...

.....................................................

Út Hưng với câu ca dao trào lộng...

“ Cô kia cô kỉa cô kìa.....”

Mừng với tiếng cười phóng khoáng...Ngọc Chung...rồi tiếp Mỹ Liên...Một bữa tiệc tinh thần thịnh soạn tiếp tục....

Các anh Đồng Nai: Trần Hữu Giáo, Vũ Phúc, .....liên lạc cô út Liên Hưng mời chúng tôi ghé lại. Địa điểm họp mặt khá lý tưởng. Những món ăn tuy đơn giản mà rất ngon miệng. Những ân tình quá ngọt ngào. Bữa ăn vui như tết cùng Ly Rượu Mừng do thầy Nghiên chủ xướng cùng tất cả phụ họa. Tiếng hát, tiếng đàn bay bổng

Rộn ràng như pháo mừng xuân

Thầy ca trò hát tình thân ngọt ngào

Chia tay các anh trong lưu luyến, hẹn ngày họp mặt đầu năm. Chúng ta lại tụ về một khối, để đón nhận niềm vui ấm áp của Nguyễn Hoàng.

Amatar, điểm dừng đầu tiên trả cô út Liên Hưng cùng anh bạn Lê Thiện Ngữ.

Số còn lại tiếp tục lưu luyến hứa hẹn rồi chia tay, chia tay MỘT CHUYẾN ĐI VỀ

.

Tôi và các bạn về điểm cuối cùng . Cảm giác như tất cả mọi người, là những cánh cò chở nặng tình người trở về với ngày xưa thân ái. Về thời áo trắng thơ ngây, còn nguyên vẹn những tâm hồn trong sáng, vô tư. Chỉ biết cười đùa vui vẻ, chỉ biết yêu đời thương người. Tâm hồn chưa trầy trụa vì những vết đau thời cuộc, vì số phận cuộc đời nghiệt ngã. Chúng tôi trở về với chính chúng tôi.

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui....

Chúng tôi đã cùng nhau chọn niềm vui cao quý Nguyễn Hoàng...Đã chọn niềm vui đạo lý muôn đời của tấm lòng Sư, huynh, đệ...Chúng tôi: Thầy cùng trò. Anh(chị) cùng em đồng hành trên chuyến xe mang tên TÌNH NGUYỄN HOÀNG

TB: Mấy hôm sau, anh chị Hòa – An đã mời mọi người bữa cơm thân mật. Anh chị tâm sự lý do: “ Về nhà mấy hôm nay, thấy nhớ tất cả mọi người nên lấy cớ tiển anh chị Thăng để được gặp nhau”...

Sau chuyến đi, chúng tôi gồm: Trị, Mừng, M.Liên, Nghĩa, Bích, Chung và tôi được mang cái tên mới rợi, do anh Hòa và anh Phùng đặt cho: Nhóm Bồ Chao

Tôi chợt nghĩ ra rằng, giới hạn trong số phận con người, không quan trọng bằng chữ tình chữ nghĩa, từ dòng chảy Nguyễn Hoàng trong tim mỗi người. Để những câu khẩu hiệu của bạn Nguyễn Văn Trị, thoạt nghe như chỉ là một hình thức, đã lay động được cả mọi trái tim, mọi lứa tuổi : Nguyễn Hoàng thân thương, Nguyễn Hoàng đoàn kết, Nguyễn Hoàng gắn bó..


TM/NH SG. Quang Tuyết


Không có nhận xét nào:

Người theo dõi