Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2019

SINH NHẬT TÔI - Thơ Lê Văn Tiến


Sinh nhật tôi

Từ lâu rồi
Tôi không thích làm ngày sinh nhật
Có gì đâu với tuổi đời chồng chất
Có gì đâu với thân xác rả rời
Nhưng hôm nay tôi chợt nhớ ra một điều
Thân thể của tôi là do cha mẹ tạo thành
Cớ sao tôi phải lảng quên!
Cớ sao tôi phải chối từ!
Mẹ tôi chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau
Cha tôi chân lấm tay bùn một nắng hai sương
Vì con: không sờn gian khổ, chẵng màng hiển vinh
Những ngày còn thơ dại
Tôi đâu biết cha nhọc nhằn
Tôi đâu biết mẹ gian truân
Hồn nhiên vui chơi, thả diều bắt dế
Tối về cha tắm gội,mẹ đút cơm
Nằm nghe tiếng ru à ơi của mẹ
“Ru con con théc cho muồi
Để mạ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi Chợ Quán Chợ Cầu
Mua cau Nam Phổ, mua trầu Chợ Dinh…”

Tôi lớn lên trong tiếng ru của mẹ
Trong vòng tay ấm của cha
Hình hài tuy cao lớn
Nhưng bé bỏng trong tình thương
Mẹ không muốn con đi xa
Cha không muốn con lầm đường
Đường của cha là con đường sáng lạn
Cố lên con - mỗi lần cha khát vọng
Mẹ bao la như dòng suối hiền hòa
Để rồi hôm nay cha không còn nữa
Mẹ thân già mòn mỏi nhớ thương con
Tuổi sáu lăm tôi mới nhận ra rằng
Công cha nặng lắm ai ơi!
Nghĩa mẹ cao cả như trời đầy sao
Sinh nhật tôi vui ít buồn nhiều
Làm sao đền đáp công Người sinh ra
Một nén hương khóc Cha
Một giọt nước mắt nhớ Mẹ
Thương thay Cha Mẹ một đời vì con,

San Jose ngày 05 tháng 01 năm 2018.
Ngày sinh nhật của tôi.
Lê Văn Tiến




NGƯỜI EM XỨ ĐẠO - Lê Văn Tiến




Còn hơn tuần nữa là đến ngày Lễ Giáng sinh. Hồi ức lại những mùa Noel đi qua tôi không khỏi bùi ngùi nhớ về những kỷ niệm xa xưa khi còn ở quê nhà. Tôi là người ngoại đạo nhưng quen thân một người có Đạo Thiên Chúa. Người con gái ấy đã để lại trong tôi những ấn tượng khó quên, những tình cảm một thời vui buồn lẫn lộn. Hôm nay nghe lại bản nhạc “ Bài Thánh ca buồn “của Nguyễn Vũ tôi không khỏi xót xa khi nhớ về người con gái ở xóm đạo năm nào :
Rồi những đêm thánh đường đón Noel
Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu
Tiếng thánh ca ngày xưa vang đêm tối
Nhớ qúa đi thôi giọng hát ai buồn!
Đêm thánh vô cùng lạnh giá hồn tôi
Tác giả: Nguyễn Vũ

Hồi còn nhỏ Làng An Phú của tôi cạnh làng An Lưu, làng tôi đa số theo đạo thờ ông bà, còn làng An lưu hầu hết dân trong làng theo đạo Thiên Chúa. Đến những ngày Lễ Giáng sinh tôi thích nghe những bản nhạc phát trên loa phóng thanh trên nóc nhà thờ. Nghe riết tôi đã thuộc lòng vài bản như: Cao cung lên, Hang Bê Len, Đêm Thánh vô cùng vân vân. Thế rồi chiến tranh xẩy đến cả miền quê tôi phải sơ tán đến vùng có an ninh gần thị xã Quảng Trị. Nhà thờ An Lưu cũng bi tàn phá bỡi bom đạn. Đa số giáo dân An Lưu đến tạm trú gần những nơi có nhà thờ như làng Trí Bưu, Hạnh Hoa, Thạch Hãn. Gia đình tôi theo Ông Bà Ngoại lên tạm cư ở Làng Hạnh Hoa, thay đổi chổ ở làm tôi nuối tiếc mãi hình ảnh quê làng.Nơi đó tôi đã sinh ra và lớn lên với biết bao kỷ niệm tuổi thơ. Con đường làng quanh co với những lũy tre bao quanh che gió đông về khi trời trở rét. Trước làng tôi là một cánh đồng rộng bao la, nơi đó con dân trong làng đã từng hai mùa mưa nắng vất vã lầm than nhưng luôn lạc quan yêu đời, yêu quê hương và yêu cả đường đi lối về.Tôi bỗng nhớ bài nhạc “Quê hương tuổi thơ” của Từ Huy
“Tôi yêu quê hương xanh xanh lũy tre
Quê hương tuổi thơ đi qua đời tôi
Đường làng quanh co, sông Thu êm đềm
Thả diều đá bóng nắng cháy giữa đồng
Biển trời mây mông tôi bơi ngày ấy
Tiếng tu hú gọi thấy nhớ biết bao”
Thơ và nhạc Từ Huy

Năm tôi học lớp Đệ Tam Trường Nguyễn Hoàng, nhà tôi sơ tán đến làng Hạnh Hoa ở gần nhà Thầy giáo Liêm cạnh nhà thờ Hạnh Hoa.Ngôi nhà thờ cao, rộng và uy nghi trở mặt ra tỉnh lộ 4 phát xuất từ Đường Quốc lộ 1 đến biển Mỹ Thủy. Mỗi lần đi học ngang nhà thờ nhìn nóc thánh giá trên cao lòng tôi cảm thấy một cái gì đó thiêng liêng được che chở bỡi đấng bề trên dù tôi là người ngoại đạo.Nhà thầy  Liêm thuộc hạng giàu sang bề thế trong làng, trong vườn có nhiều cây lưu niên và bao quanh vườn là một hàng rào bằng sắt. Khung cữa trước nhà được khóa suốt ngày chỉ mở khi có tiệc tùng hay tết nhất. Thầy Liêm dạy trường Nam Tiểu học Quảng Trị có bốn người con gái xinh đẹp và qúi phái. Lúc đó tôi ít quan tâm đến họ, tuổi mới lớn chỉ lo học và phụ cha mẹ làm những việc trong nhà.Cho đến một ngày bà Liêm qua nhà tôi nói với Ngoại nhờ tôi qua nhà giúp hái trái cây lưu niên. Những cây bưởi, cây cam thật cao và sai trái.Tôi phải dùng cái thang để leo lên hái. Cái thang khập khiểng làm bằng tre khiến tôi cảm thấy mất an toàn mỗi khi bước lên hái những trái bưởi nhưng vì tự ái là con trai nên tôi cố gắng làm ra vẻ không can gì. Mỗi lần tôi trèo thang lên hái là có cô bé Ái Đông đứng dưới chờ hứng với cái thúng nhỏ.Những trái cây tôi hái dùm được bỏ vào bao, Bà Liêm đem ra bán chợ Gốc Bầu trước mặt nhà thờ. Ông Bà Liêm có 4 người con gái đặt tên bốn mùa Xuân, Hạ, Thu và Đông. Ái Đông là con út nên rất được cưng chiều.Hai chị lớn của Đông đi học ở Sài Gòn. Ái Thu chị kế của Đông học trường Couvent des Oiseaux ở Đà Lạt còn Ái Đông học đệ tứ trường Phước Môn. Nhiều lần hái bưởi xong là tôi ra về không nói năng gì hết ví tính rụt rè và nghĩ mình là một gã nhà quê mới đến ngụ cư.Và rồi một hôm tôi đang hái thì bị té xuống đất may mà không can gì chỉ xước nhẹ ở bàn chân. Ái Đông hốt hoảng vào nhà lấy bông băng ra bó vết thương cho tôi. Lúc đó tôi mới có dịp nhìn rõ khuôn mặt xinh đẹp của Ái Đông, tuổi mười lăm em sở hữu một vóc dáng mảnh khảnh thướt tha, với đôi mắt to tròn và mái tóc đen huyền thật quyến rũ. Tôi cảm thấy lòng mình rung động, con trai mười sáu lần đầu biết rung động với một người con gái xa lạ.Ái Đông nhìn tôi miệng mấp máy:” Cám ơn nghe” dù chỉ nghe ba tiếng rồi Ái Đông lật đật bước vào nhà.Tôi cảm thấy như một vùng trời màu hồng hiện lên trước mắt.Tôi bước đi nghe lòng mình lâng lâng một niềm vui khó tả.Sau đó dần dần tôi và Ái Đông quen thân nhau hơn. Ái Đông là cô bé hiền, ham học ít có bạn bè và đặc biệt rất ngoan đạo thường đi lễ mỗi ngày. Ái Đông thường qua nhà tôi nhờ giải mấy bài toán phương trình,may mà em nhờ tôi giúp giải mấy bài toán lớp đệ ngũ nếu em nhờ tôi giúp môn văn thì tôi mù tịt. Tuy học ban C nhưng môn Văn của tôi dở ẹc. Cứ như thế tình cảm đơn phương của tôi nẩy nỡ lúc nào không hay. Yêu đơn phương nhiều khi cũng là một cái thú.Thú đau thương.Giữa tôi và Ái Đông qúa nhiều khác biệt, giai cấp, tôn giáo và bề ngoài xấu xí quê mùa của tôi làm sao tôi dám nghĩ đến một người con gái giàu sang phú qú như em. Nếu có cũng chỉ là mối tình trong mơ “Trương Chi Mỵ Nương” của thời cỗ tích.

Mấy năm sau gia đình tôi vào Đà Nẵng định cư ở Trại Non Nước theo dòng người di tản vì chiến tranh. Tôi rời bỏ ghế giảng đường Văn Khoa Huế lên đường nhập ngũ, để lại sau lưng vô vàn những kỷ niệm vui buồn thời học sinh. Mang theo hình bóng người con gái xóm đạo chưa một lần nói tiếng yêu thương. Bật vô âm tín, không liên lạc được với Ái Đông trong mấy năm trời. Chắc em coi tôi như một gã khờ không hơn không kém, người bạn hàng xóm hay đến nhà em hái cam hái bưởi để rồi bây giờ phải âm thầm ôm một mối tình câm. Mỗi lần nghe chuông nhà thờ đổ tôi thầm nghĩ về em, người con gái xứ đạo đã cho tôi những ước mơ đầu đời. Ước gì em cũng có nỗi nhớ như tôi, nhớ gã hàng xóm ngu ngơ vụng về.Nhớ những lúc tôi giúp em giải mấy bài toán phương trình bậc một bậc hai.Còn phương trình đời tôi chứa một ẩn số sao tôi tìm mãi không ra.

                                                                         ****

Thế rồi tình cờ tôi gặp lại Ái Đông trong những ngày tôi đi chìến dịch ở Đà Nẵng năm 1972.Nhìn em cao lớn và xinh đẹp hẵn lên.Tôi nhận khó ra, ba năm xa cách kể từ ngày tôi rời Quảng trị vào Đà Lạt học.Gia đình Ái Đông vào định cư ở Trại Hoà Khánh.Mấy người chị của Ái Đông đã ra trường có việc làm ở Sài Gòn. Đông học sư phạm Văn ở Huế năm hai. Những kỷ niệm ngày xưa trở về như làn gió mát giữa buổi trưa hè oi bức,cả hai chúng tôi trở nên tự nhiên và không còn rụt rè như trước nữa.Tôi hỏi Ái Đông” Tưởng đâu Đông quên anh rồi chứ?”” Dạ không anh, làm răng em quên được anh láng giềng tốt bụng hay hái bưởi cho nhà em.Mấy năm rồi ba mẹ em cứ nhắc anh hoài.” Không biết thằng Tiến trôi dạt phương nào, không ngờ anh bây giờ là một sĩ quan dày dặn sương gió”.Thời gian tôi công tác CTCT ở Hoà Khánh hai tháng nhưng ấn tượng thật đẹp với tôi.Gặp lại Ái Đông tôi có cảm giác như tôi là con thuyền lênh đênh tìm về bến cũ.Tôi không còn mặc cảm là anh khờ nhà quê nữa, đời binh nghiệp làm tôi trở thành bản lĩnh và phong thái hơn khi đối diện những người chung quanh với bất cứ giai cấp đối tượng nào.Ái Đông dẫn tôi về thăm gia đình em ở trại định cư Hoà Khánh,Thầy giáo Liêm đã về hưu. Ba Mẹ Ái Đông gặp tôi rất vui mừng, và mời tôi ở lại dùng cơm tối với gia đình. Lúc đó trời vào đông, thời tiết se lạnh và còn mấy ngày nữa là đến ngày Lễ Giáng sinh.Tôi mang ít quà biếu gia đình Ái Đông. Em nhìn tôi ngập ngừng nói:” Nếu anh không ngại mời anh lễ giáng sinh này đến chung vui cùng gia đình em”. Tôi vui mừng nhận lời, gặp lại Ái Đông tôi có cơ hội để bày tỏ tình cảm của mình dù không biết gia đình Ái Đông có chấp nhận hay không vì tôi là người ngoại đạo.Tôi chợt nhớ bản nhạc buồn của Lê Dinh:” Chúa ơi ! Con là người ngoại giáo. Lỡ yêu, yêu một người có đạo”….

Đêm Giáng sinh tôi đến nhà Ái Đông dự Lễ cùng gia đình. Ái Đông cùng tôi đi lễ ở nhà thờ Chánh Tòa Đà Nẵng. Lần đầu tiên tôi đến nhà thờ cùng một người con gái với một cảm giác thật hồi hộp. Đường phố Đà Nẵng đêm Noel đông đúc xe cộ và mọi người đổ ra đường phố vui mừng ngày Chúa giáng sinh. Vào nhà thờ đi lễ tôi vô cùng lúng túng chỉ biết làm theo Ái Đông chấp tay đứng cạnh nàng. Ái Đông đọc kinh còn tôi cầu nguyện cho đất nước hòa bình cho tình yêu của tôi được toại nguyện. Sau Lễ nhà thờ, trên đường về nhà, tôi chở em bằng chiếc Honda 67.Thời tiết đêm noel lạnh căm và sương khuya xuống nhạt nhòa trong những ánh đèn đường lung linh mờ ảo.Tôi mở đầu câu chuyện” Khi ra trường anh sẽ chọn về Vùng 1 vì anh muốn gần gia đình và gần Ái Đông” Em cũng mong thế, mong anh được bình an khi ra chiến trường vì em sợ chiến tranh sợ cảnh mất mát …” Trong lòng tôi ngập tràn tình yêu thương nhưng sao tôi không dám nói lời tỏ tình với Ái Đông. Chiến tranh càng ngày càng khốc liệt rồi tôi sẽ đi vào vùng lữa đạn, đi vào cuộc chiến cam go và nguy hiểm làm sao tôi dám hẹn hò với một người con gái nhiều mơ ước nhiều tương lai trước mặt như Ái Đông.Tôi miên man với những ý nghĩ thì Ái Đông phá vỡ sự im lặng:” Rứa khi mô anh trở lại Đà Lạt để em tiễn anh ra phi trường”. “Cám ơn em, cuối tháng này tụi anh phải trở về trường cho kịp học mùa Văn hóa niên khóa mới”.Con đường từ thành phố Đà Nẵng về Hòa Khánh hôm nay sao ngắn qúa.Thời gian qua nhanh, tôi chưa kịp nói gì thì phải chia tay Ái Đông. Đêm Noel tuy ngoài trời rất lạnh nhưng trong lòng tôi vô cùng ấm áp.Bao nhiêu mơ ước và hi vọng tôi đang xây thành một lâu đài tương lai thật tuyệt đẹp. Một ngày nào đó tôi và em sẽ sống bên nhau, một căn nhà nhỏ vài đứa con thơ. Hạnh phúc biết bao! Tôi đang chờ…..

                                                                       ****  

Trở lại quân trường Đà Lạt tôi và bạn bè cùng khóa phải vùi đầu vào mùa học văn hóa. Năm thứ hai nhiều môn học mới khá vất vả cọng thêm các lớp Võ thuật và thể chất rèn luyện thân thể mà mỗi SVSQ phải vượt qua.Tuy khóa học bận rộn nhưng tinh thần chúng tôi rất lạc quan về tương lai và lý tưởng của mình. Những ngày cuối tuần là những ngày vô cùng hạnh phúc. Nhận và đọc những cánh thư từ quê nhà gởi đến. Tôi rất mong những lá thư của Ái Đông, em viết từ trường Đại Học Sư Phạm Huế. Những lá thư viết bằng mực tím, em thường bảo tôi: Màu tím là màu của tình yêu và chung thủy. Thế nên có lần tôi ra tiệm chị Chúc khu Hoà Bình Đà Lạt mua một cây Pilot màu tím nhờ khắc tên A. Đ rồi gởi về tặng em. Nghe hơi cải lương nhưng để nhắn gởi với em rằng: Anh cũng yêu màu tím ấy vô cùng.

Ngày tháng êm đềm trôi qua cuối năm thứ ba Khóa chúng tôi tổ chức lễ trao nhẫn truyền thống.Trước đó một tháng tôi gởi thiệp về Huế mời em và gia đình vào dự lễ trao nhẫn vì tôi muốn chính Ái Đông trao chiếc nhẫn cao qúi cho tôi để chứng minh lời thề: Tổ Quốc- Danh Dự- Trách Nhiệm.Nhưng tiếc thay em đang thực tâp không vào Đà Lạt được nên nhờ vợ chồng chị Ái Thu đại dìện thay thế.

Thế rồi cuộc đời không như là mơ.Sau 1975 thế sự xoay chiều, con đường tương lai của tôi đi vào ngõ cụt.Tôi phải vào trại cải tạo hơn 3 năm.Ngày trở về quê hương tôi tưởng rằng sẽ gặp lại người xưa nhưng tất cả đều thay đổi.Tôi có trở lại Đà Nẵng nhưng không tìm ra gia đình Ái Đông.Trại định cư Hoà Khánh đã giải thể đa số dân Quảng Trị đã hồi hương và một số vào Nam sinh sống.Làng Hạnh Hoa lúc đó cũng không còn những người dân chính gốc mà đa số là dân ngụ cư.Gia đình Ái Đông cũng không trở lại làng Hạnh Hoa. Nhìn căn nhà hoang vắng lạnh lẽo,khu vườn không ai chăm sóc trở nên tiêu điều hoang phế. Chủ nhân mới của căn nhà hình như là mấy người cán bộ ở miền Bắc vào.Tôi thấy mình lạc lỏng không phương hướng, hỏi vài người quen trong làng họ chỉ biết gia đìnhThầy giáo Liêm đã vào Nam trước năm 1975.Nhìn ngôi nhà thờ vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Những con đường quen thuộc tôi và Ái Đông đi học mỗi ngày bây giờ sao mà xa lạ buồn hiu.

Thế là một cuộc tình không đoạn kết.Tôi cầu mong em dù ở chân trời gốc biển nào cũng bình an và hạnh phúc bên người thân. Đọc bài thơ “Yêu” của Xuân Diệu tôi cảm thấy xót xa cho những ai rơi vào cảnh ngộ: Yêu là chết trong lòng một ít
“Yêu là chết trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu
Cho rất nhiều, song chẳng nhận bao nhiêu
Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết
Phút gần gũi cũng như giờ chia biệt
Tưởng trăng tàn hoa tạ với hồn tiêu
Mấy khi yêu mà chắc được yêu!
Yêu là chết trong long một ít
Thơ Xuân Diệu

Hơn 50 năm rồi, hôm nay nhớ lại những kỷ niệm vui buồn một thời ở quê nhà tôi thấy lòng mình quặn đau.Ly hương bất ly tổ. Ước mơ một ngày không xa được trở về sống trong ngôi làng cũ có bờ tre xanh có mảnh vườn rộng và tiếng chim hót trong những cành cây xum lá.Và Em, người con gái chợt đến chợt đi đã một thời cho làm hồn tôi xao động. Nếu có kiếp sau tôi sẽ không bao giờ để mất em lần nữa. Đêm noel tôi sẽ nghe chuông giáo đường đổ nhưng hình bóng em vẫn ngàn trùng xa cách…

Mùa Noel 2017
LVT

Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2019

Chùm ảnh HỘI NGỘ NGUYỄN HOÀNG 64-71, NHA TRANG 14-16/6/2019

Ảnh từ Facebook của Bùi Phước Vĩnh, Võ Đình Đoan, Nguyễn Hiếu, Lê Quang Sinh.

Bấm chuột vào hình để xem to hơn.






































































































Người theo dõi