Nguyễn Đặng Mừng, cựu học sinh Nguyễn Hoàng, hội viên hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, vừa cho ra mắt tập sách thứ hai của anh: Nhịp Đời Buồn Vui, gồm những tản văn ghi lại những vui buồn mà anh bắt gặp và chắt lọc từ cuộc sống đời thường khi còn ở quê nhà Quảng Trị và về sau trên những miền quê mới. Trân trong giới thiệu đến bạn đọc.
TỰA CỦA KHÁNH PHƯƠNG
Nguyễn Đặng Mừng và vẻ đẹp lý tưởng từ đời sống nhân sinh
Nguyễn Đặng Mừng đến với nghề viết một cách tự nhiên, mà cũng thầm lặng như cách người ta theo đuổi một lý tưởng. Ông vốn là học trò lớp ban C (ban văn chương) những khóa gần cuối cùng của trường Trung học Nguyễn Hoàng, trường công lập duy nhất và cũng danh tiếng nhất tỉnh Quảng trị thời bấy giờ.
Đường Quang Trung Thị xã Quảng Trị, thời điểm máu lửa chết chóc cận kề vẫn còn rợp bóng áo trắng lá xanh, vẫn còn một vài lứa thanh niên trước khi rời ghế nhà trường, trước khi lập tức bị nhận vào cái vũng tuyệt vọng của cuộc chiến hồi chung cục, vẫn níu giữ trong bầu máu trẻ những lãng mạn và hoài bão, bên cạnh nỗi thắc thỏm âu lo. Đó là hoài bão tri thức, được nhen từ những Sáng tạo, Hiện đại, Văn, Bách Khoa, Tia sáng, Ca dao… những ấn phẩm của buổi đầu trong lành, háo hức, nghiêm cẩn tạo dựng nền tảng tinh thần của một xã hội non trẻ, xã hội tin tưởng vào khoa học cũng như những cơ hội của con người.
Hoài bão ấy, cho đến lứa học trò như Nguyễn Đặng Mừng, vẫn còn tiếp tục được nuôi dưỡng, cho dù không phải không bị bao trùm bởi bóng đen của chiến tranh, cái chết (thế hệ trẻ không hoài bão là thế hệ đã bị tước mất đời sống đích thực).
Thời ấy, học trò học tới bậc trung học chưa phải là nhiều so với tổng số dân, mỗi người thanh niên được cha mẹ thắt lưng cho ăn học, dời xa làng quê, có thể nói, đều góp phần của mình như một trí thức vào đời sống dân trí nói chung, ít nhất cũng là trở về làm thầy giáo ở trường làng, được bà con kính trọng. Trong số đó, một bộ phận không nhỏ, được tiếp xúc với ngọn gió văn- triết Tây phương ở nhà trường, đều ôm ấp giấc mơ làm một nhà tư tưởng, và thông qua tư tưởng, trở thành người canh tân xã hội. Sự bùng nổ đa dạng của hàng loạt những cây bút tươi trẻ, giọng điệu lạ thường, kéo dài tới hai thế hệ của văn học miền Nam là một minh chứng. Sau thành thị thuộc địa hồi đầu thế kỷ XX, đô thị miền Nam là cơ hội lần thứ hai của người thanh niên Việt Nam để trở thành tầng lớp trí thức mới.
Ứơc mơ của nhiều người trong thế hệ cuối cùng lớn lên từ chiến tranh đã không thể thực hiện.
Sau ba mươi năm làm rẫy, buôn gánh bán gồng, rồi trở thành chủ “nhà hàng” thời “mở cửa”, Nguyễn Đặng Mừng quay lại viết văn. Kiến thức nhà trường vừa rơi rụng vừa không còn là đủ, lúc này chỉ còn Nguyễn Đặng Mừng rụt dè nhưng thành tâm, hồn hậu lại gõ cửa tình nhân cũ văn chương. Khác xa sự đua đòi lấy văn chương trang sức của nhiều người đã dư thừa thành công, hưởng thụ, Nguyễn Đặng Mừng dè dặt, dò dẫm nhưng kiên nhẫn, thông qua việc viết văn, kiếm tìm lại giấc mơ xưa của mình, tưởng chừng đã thất tán vì cuộc tồn tại quá sức nhọc nhằn.
Đến tuổi chớm bạc đầu mới có thể dò tìm lại hoài bão thời trẻ trung, điều này chỉ chứng tỏ ý nghĩa của nó là có thực, là quan trọng đối với đời người. Và chứng minh rằng với một số người, không thể sống mà không có một hoài bão tri thức, một con đường để trau mình.
Điều dễ dàng nhận thấy trong tập tản văn, bút ký này, cũng là tập sách thứ hai được công bố của Nguyễn Đặng Mừng, một tình yêu và say mê dù kín đáo nhưng khó lòng giấu giếm với lý tưởng nhân văn thuần khiết, đẹp đẽ.
Không phải điều gì to tát, cao xa. Mà là tình yêu thương nâng niu tự nhiên, nụ cười người bạn gái thuở cùng cắp sách, trải ba mươi năm cay đắng luân lạc, tình yêu thương trong trẻo ấy vẫn còn nguyên, thậm chí còn sắc nét hơn trong một thứ ánh sáng khác, làm xúc động người đọc. Bản năng ngưỡng mộ nghĩa khí, nỗi xót thương, hành động sẻ chia giản dị tự nguyện với kẻ hoạn nạn, những bối rối hồn hậu trước thiện cảm trong lành khác hay tình yêu lặng lẽ mà xé lòng cắt ruột với quê nghèo Quảng Trị… Tất cả làm thành một thế giới của những cảm xúc và rung động thuần khiết, thế giới hiển hiện ở nơi sâu kín mỗi con người, nhưng ngày một khuất lấp, bị lãng quên bởi những toan tính duy lý và ganh đua thực dụng. Nó cũng khác xa những bài học đạo đức giáo điều áp đặt không xuất phát từ tâm trạng con người.
Tản văn là hình thức có thể làm cho sức mạnh của ngôn ngữ trở thành cấp số nhân, bởi nó vừa bám chắc cái sống động của hiện thực đang diễn biến, vừa đưa được người đọc tới những lãnh địa xa của liên tưởng và tư tưởng. Nguyễn Đặng Mừng cũng đã làm chủ được sức mạnh này của tản văn, bằng những liên tưởng bất ngờ, mang cái uyên thâm của con người từng trải. Không thiên về suy lý, cái sắc bén trong tản văn Nguyễn Đặng Mừng gắn liền với những phát hiện về nhân sinh, đời sống. Nó là những “chân lý” giản dị, nhiều khi là bài học của sự sống tồn hay làm người, nhưng được nói lên một cách thẳng thắn, dũng cảm, mà dung dị, như những điều tất yếu của tự nhiên. Nhảy cũng như thơ, Cây chuối- bà mẹ quê, Về quê mùa bão lụt, Giọng Sài gòn, Ngày thơ xa xôi, Gió thổi từ xa… là những tản văn hay, giàu ý nghĩa minh triết.
Giọng văn Nguyễn Đặng Mừng vừa nên thơ trong sáng, vừa nhuốm đượm bùi ngùi một nỗi bi thương đã ghìm nén nhưng vẫn ứa máu như những vết thương đã khâu mà chưa kín miệng. Đây cũng là đặc điểm nổi bật ở con người văn chương và quan niệm đời sống trong tác phẩm của ông. Hồn nhiên, mơ mộng, thiện tâm như trẻ thơ khi nhắc tới những kỷ niệm ấu thơ, tình mẹ, món ngon quê nhà, tình bạn, tình thầy trò…, là con người của những ngọt ngào, của hạnh phúc được làm người và tồn tại. Đau xót, tổn thương, cay đắng là con người của từng trải, của lịch sử và thời cuộc. Nhưng điều đáng trân trọng nhất về quan niệm hiện thực, cũng nên được xem như là ý nghĩa văn học đậm đặc nhất của tập tản văn- bút ký này, đó là Nguyễn Đặng Mừng đã bày tỏ ý nghĩa của đời sống, tồn tại con người như một chặng đường kiếm tìm nhẫn nại, chân thực và cảm động, lặng lẽ, đau đớn, đầy uẩn khúc, mà không bao giờ thoái lui, niềm tin và giá trị tinh khiết thuở ban đầu.
Vừa đi vừa nở, Tranh và hoa sim, Ngày thơ xa xôi, Mênh mông một chuyến đi về… là những bút ký thể hiện cô đọng nhất quan niệm hiện thực đó.
Những đổ vỡ, phi lý, phi nhân, hiện lên như điều con người đã vượt qua, tất nhiên, vượt qua một cách đau thương, không hề dễ dàng, để qua đó chứng nghiệm cái đích thực là nhân tính, bản ngã.
Không phải cái đích của con đường, vì cái đích nhân văn và chân lý sẽ không bao giờ dừng lại. Mà là sự kiên nhẫn kiếm tìm giá trị, cho dù là giá trị tưởng chừng đã hiển nhiên, như tình yêu thương và lòng vị tha, vẫn cần phải chứng nghiệm lại nó trong những bối cảnh vừa mờ nhạt vừa chói loà, vừa xa xôi vừa gần gặn đến tận thịt da, như cuộc sống và con người hơn ba mươi năm vừa trải qua.
Sự kiên nhẫn của Nguyễn Đặng Mừng đã làm rung động người đọc.
Có lẽ, cũng chính tản văn đã giúp ông “giấu” được những khiếm khuyết trong việc viết, hay ở tập sách thứ hai này Nguyễn Đặng Mừng đã “vững tay” hơn nhiều?
Tâm thái không cả quyết lắm khi chọn lựa, gọt giũa những chi tiết để làm nổi bật ý tưởng, như trong một số truyện ngắn đã công bố, điều này thể hiện cái “dò dẫm” tìm đường của người viết, gần như không còn lặp lại trong tản văn của Nguyễn Đặng Mừng.
Câu văn Nguyễn Đặng Mừng có khi còn dàn trải, nhịp điệu, cấu tứ chưa thật chắc chắn, dồn nén nhiều sức bật. Ông có nhiều câu văn ngẫu nhiên, thông thường, chưa chuyên chú, gọt giũa để trở nên thật sắc nét. Trong lối kể hồn nhiên, phóng dật, cấu trúc lỏng của tản văn, những nhược điểm đó có thể không trở nên lộ liễu, nhưng nó góp phần làm giảm bớt nét đặc sắc và tinh tế của giọng điệu cần có trong thể loại này.
Tôi còn nhớ một chi tiết trong truyện ngắn Tím cả chiều hoang của Nguyễn Đặng Mừng. Chi tiết vợ người lính miền Nam, vì tin tưởng lão thầy cúng được vong hồn chồng mình, vốn mất tích đã lâu và bị coi như đã chết, nhập vào, đã chấp thuận ăn nằm với lão ta. Một chi tiết chắc rằng có trong đời thực. Nhưng nó lại mang ý nghĩa văn chương độc đáo. Không chỉ nói lên cái trong trắng, đơn giản đến ngây thơ của niềm tin ở con người, mà còn cho thấy cái mong manh, bạc bẽo đến vô nghĩa của thân phận, chẳng còn biết trông chờ, nương dựa vào đâu ngoài niềm tin tưởng chừng phi lý, mắc cười.
Tâm hồn nguyên sơ, giàu tình cảm, còn đầy rúng động đã giúp Nguyễn Đặng Mừng thấm hút và lảy ra ý nghĩa văn chương từ những sự kiện giản đơn nhưng lại ẩn chứa giác ngộ lớn lao của đời sống. Ông sẽ luôn là nhà văn gắn bó với những giá trị nhân sinh, tìm ra từ nó những vẻ đẹp lý tưởng dành cho con người.
Khánh Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét