Ghi nhanh của Nguyễn Đặng Mừng
Hôm qua, chủ nhật 15 tháng 8, chúng tôi gồm anh Cẩm, chị An Hòa, chị Cao Thị Nguyên, chị Oanh, Nghĩa, Mỹ Liên và Nguyễn Đặng Mừng về Đồng Nai để tặng quà cho Dư Thị Mai. Trên đường đi rôm rã chuyện xưa nay. Mỹ Liên kể chuyện tếu một thời gian khó trên đường thiên lý bắc nam, cười ra nước mắt.
Anh Tố đón ở ngã ba Tân Phong, chạy dẫn đường về nhà Dư Thị Mai lúc khoảng 11 giờ. Dù tưởng tượng trước chúng tôi cũng không ngờ có một gia đình nghèo đến thế. Căn nhà mà ai đó gọi là “nhà xây” chỉ cũng khoảng 30 mét vuông. vách có chỗ chưa tô còn nham nhở gạch, có nơi còn tráp cả những tấm tôn rỉ sét. Mái lợp tôn fibro ximăng, loại tôn đã được khuyến cáo là chỉ lợp chuồng súc vật, rất có hại cho sức khỏe. Phòng ngủ cả nhà nằm chung cho con gái con trai và cả vợ chồng Mai. "Công trình" khá nhất là nhà vệ sinh mới xây bằng tài trợ của bạn Nghĩa cách đây mấy tháng. Chuồng heo rất sạch, có lẽ đây là nguồn sống chính của gia đình, nhưng theo chị Mai, không biết dịch tai xanh có đến viếng không. Nếu có bề gì thì tiền mô trả nợ.
Cô nữ sinh Dư Thị Mai lớp 10A3 ngày nào giờ là một bà già gần 60 tuổi, lặng lẻ nhìn chúng tôi cười buồn bên canh anh chồng ốm yếu. Anh cũng người Triệu Phong nhưng xa quê từ nhỏ, là svsq ctct những khóa cuối cùng. Hiện anh làm nghề gõ đầu trẻ với hai bàn học sinh kê ngay "phòng khách", dưới tran thờ.
Anh Cẩm đại diện AH CHS NH trao quà. Vợ chồng Mai xúc động chỉ nói được vài lời. Hy vọng khi các con ra trường cuộc sống sẽ khá hơn. Sau đó gia đình mời mọi người ăn cháo bột cá lóc đồng rất ngon.
Trên đường đi thăm Hồ Tự, chúng tôi ghé thăm chị Hoa, bạn học của chị Nguyên và chị Oanh. Hai người gặp nhau sau đúng 50 năm. Chị Oanh "lẩy" vì chị Hoa không còn nhớ chút nào về bạn. Hi, giận nhưng cũng ôm nhau, mắt đỏ hoe.
Anh Tố và anh Hồ Kháng (cũng dân NH 65-72) dẫn đường về nhà Tự. Đường nhỏ xe hơi không vào được nên phải tăng bo từng hai người một bằng xe honda.
Dù đã xem qua ảnh và biết chút về gia cảnh của Tự, nhưng khi gặp mọi người đều xúc động. Mấy chị khóc, lặng đi trước hình ảnh người bạn-người em có khuôn mặt sáng sủa và học giỏi một thời nằm bất động như xác ve dính sát trên giường. Trên đầu có bát nhang làm bằng lon sữa bò và câu : Nam mô a di đà Phật dán cạnh. Tự bảo, "Ăn được nhưng cố nhịn cho mau chết để khỏi phiền con cái. Bệnh này nó khốn là tiêu hóa, tim mạch vẫn bình thường mới gay, khó chết quá". Nghe Kháng kể có lúc Tự đã tuyệt thực cả tuần mà không chết. Khi nhận quà Thầy Thăng gửi Tự khóc rung vai, nói là học trò chưa mần chi đền đáp công ơn Thầy mà Thầy gần 80 rồi còn phải lo cho trò, đau lắm, nhục lắm". Tự còn nhắc Thầy Trần Ngọc Cư dạy Anh văn, lớp ban A của tự lười học, Thầy đuổi hết chỉ còn 4 em, trong đó có Tự. Kháng lại chêm vào, Thầy Cư rất nghiêm nhưng dạy tuyệt vời. Những bài dạy của Thầy sau này dù Kháng không phải là giáo viên tiếng Anh nhưng lại rất hữu ích để dạy con.
Con trai đầu của Tự gật đầu chào rồi mãi mê đi chở bắp. Gái út cũng chỉ nhìn mọi người không nói chi. Cháu thi rớt đại học, mười tám tuổi mà trông như bé gái mười hai. Vợ Tự đi đâu về, hỏi chi cũng cười. Chị bị tâm thần nhẹ. Khi chụp ảnh chị cũng cười thật tươi. Chị An bảo ngày xưa chắc đẹp lắm, chị cười toe gật đầu lặp lại, đẹp lắm.
Chị An vận động anh chị em được 600.000Đ, chị bỏ thêm 400.000Đ nữa đủ một triệu để tặng cho Tự. Lần nào đi thăm bạn bè ở xa chị An cũng lo xe cộ, còn mang theo nhiều thức ăn, nước uống. Nhớ lần đi Long Xuyên khánh thành nhà Châm về còn nhiều thức ăn, chị chia mang về làm quà cho con cháu. Phúc thay cho NH mình có nhiều người có tấm lòng và lặng lẽ đến với tha nhân như chị An. Chị bảo đừng viết chi về chị hết, có chi mô mà nói, nếu không đi thăm và giúp đỡ NH thì chị cũng đi làm từ thiện chỗ khác thôi.
Về đến SG khoảng 6 g chiều. ghé thăm anh Xiễn. Mọi người kể về chuyến đi, về hoàn cảnh Tự, anh Xiễn "mở hàng" 500.000 Đ.
Một ngày đầy cảm xúc và ý nghĩa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét