Thứ Ba, 31 tháng 8, 2010

CHUYỆN VỀ NGÔI TRƯỜNG MANG TÊN NGUYỄN HOÀNG VÀ NGƯỜI PHỤ NỮ ĐI TÌM KÝ ỨC


NGÔ HẠ UYÊN
                                                           
Sau hơn 450 năm kể từ ngày Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, dấu tích buổi đầu mở cõi của nhà Nguyễn trên dải đất miền Trung nắng gió này chỉ còn lại rất khiêm tốn. Có những địa danh may mắn còn chút dấu tích với nền gạch cũ, những phiến đá, pho tượng… nhắc nhở cho hậu thế về lịch sử thăng trầm của một dòng họ. Nhưng cũng có những nơi giờ chỉ còn là những cái tên, thậm chí tên cũng đã mất, chỉ còn lại trong tâm khảm của những người con luôn đau đáu về  lịch sử. Trường Trung học Nguyễn Hoàng ở Quảng Trị là một nơi như thế.

Về ngôi trường mang tên Chúa tiên…

Chỉ tồn tại 24 năm, cái tên Trường trung học Nguyễn Hoàng có lẽ là cái tên khá xa lạ với những thế hệ sau này. Được thành lập năm 1951 bởi một nhóm thân hào thân sỹ, phụ huynh học sinh ở thị xã Quảng Trị với cái tên ban đầu là trường Trung học tư thục Quảng Trị, rồi được công lập hóa, mãi đến năm 1952-1953, mới được chính thức mang tên chúa tiên Nguyễn Hoàng. Thời gian và sự biến thiên của lịch sử đã làm sao dời vật đổi, thế hệ hậu sinh chỉ biết về những gì thuộc về quá khứ thông qua những dấu tích, những gì ghi lại trong sử sách. Nhưng từ năm 1972, khi chiến tranh biến ngôi trường thành một đống đổ nát tang thương, và năm 1975, khi tên ngôi trường đã mất đi, trên vị trí trường xưa đã mọc lên một ngôi trường khác khang trang, mang tên Trường Trung học Triệu Hải (sau đổi thành Trường Trung học thị xã Quảng Trị) thì trường Nguyễn Hoàng chỉ còn trong trái tim của những thế hệ thầy và trò, với những người dân Quảng Trị thời đó. Thậm chí, với những lớp lớp học sinh đang ngày ngày trau rèn kiến thức trên mảnh đất hiện tại có lẽ cũng không biết quá khứ hào hùng của nơi ngôi trường mình đang ngự trị.

Đã hơn 30 năm kể từ ngày đó, nhưng trái tim của những thầy cô giáo cũ, của những cựu học sinh Nguyễn Hoàng, dù đang làm gì, ở đâu, dù là anh nông dân chân lấm tay bùn hay cô công chức, dù đang ở trong nước hay miền ngoại quốc xa xôi vẫn luôn thương nhớ, đau đáu hướng vọng về ngôi trường, vẫn mong có một ngày ngôi trường lại được mang tên Chúa Tiên. Việc xin phục hồi tên Nguyễn Hoàng cho ngôi trường này đã nhiều lần được nêu ra nhưng chưa được sự nhất trí. Bẵng đi rất lâu, tưởng như ký ức đã ngủ quên, nhưng một cựu học sinh nhỏ bé của Nguyễn Hoàng xưa, cô Võ Thị Quỳnh (giờ là giáo viên Chuyên Văn, trường Quốc Học, Huế), bằng trái tim thủy chung sắt son với trường xưa, bằng nhiệt huyết không bao giờ cạn, đã giúp cho Nguyễn Hoàng có một cuộc hội ngộ lớn qua 6 tập sách “Chân dung và kỷ niệm” kể từ năm 2006 đến nay.

Và người phụ nữ nhặt nhạnh ký ức.

Cô bảo, ý tưởng muốn “nối vòng tay lớn” Nguyễn Hoàng đã được ấp ủ từ lâu lắm rồi, nhưng bao nhiêu gánh nặng của cuộc sống thực tại đã khiến mộng đẹp ngủ quên. Năm 2004, từ những địa chỉ hiếm hoi của những người thầy, người bạn Nguyễn Hoàng xưa, cô “đánh liều” gửi đi hai lá thư nhỏ, với mong muốn những người bạn sẽ là những nhịp cầu nối đến những người con khác của Nguyễn Hoàng.

Lá thư có đoạn viết: “Chúng em là những học sinh Nguyễn Hoàng ngày xưa, nhớ về Nguyễn Hoàng-ngôi trường không còn lại gì sau chiến tranh-lòng những muốn ngôi trường được sống, chí ít là trong lòng ba mẹ chúng em, trong lòng chúng em và thế hệ con cháu chúng em sẽ có nơi để hướng về, sẽ còn có nơi cho kỷ niệm tuổi xuân trong sáng hồn nhiên xưa neo đậu…”. Chính từ những lời tâm huyết đó, mà qua một thời gian, cô đã tập hợp được cho mình một gia tài lớn- gần 1700 địa chỉ, với hàng ngàn bài viết, hàng ngàn kỷ niệm, hàng ngàn lời tâm sự, đặc biệt là những lời kêu gọi xin được phục hồi tên trường cũ của những người xưa Nguyễn Hoàng. Năm 2006, cô đã dày công biên tập, gom góp những bài viết đầu tiên thành tập sách có tên gọi Chân dung và kỷ niệm. Sau 4 năm, Chân dung và kỷ niệm đã được xuất bản đến tập thứ 6, mỗi tập dày 700-800 trang.

Trong những lá thư cô Võ Thị Quỳnh gửi đi, có những trường hợp, người thầy, người cựu học sinh… vì tuổi tác, vì sức khỏe,… đã đi về cõi vĩnh hằng. Nhưng những người thân của các anh, các chị như vợ, như em… vẫn thay mặt người đã khuất, gửi những dòng tâm huyết đến cho cô. Đó là anh Nguyễn Khắc Chuân, dù anh đã mất, vợ đang bị bệnh, nhưng em trai anh vẫn gửi thư hồi âm, kèm theo bài thơ nhỏ, bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của anh. Rồi trường hợp của anh Thái Hoàng Nguyên, cựu học sinh. Anh đã vĩnh viễn ra đi năm 2005 trong vụ tai nạn của chuyến tàu E1, nhưng vợ anh đã trích những dòng nhật ký cuối cùng của anh để gửi tới cho gia đình lớn Nguyễn Hoàng.

 “Điều gì xuất phát từ trái tim thì sẽ đi đến trái tim”, cô đã nói với tôi như thế khi nhắc đến hành trình đi tìm lại ký ức. Có những cựu học sinh, vì nhiều lý do, có thể mặc cảm vì công không thành, danh chẳng toại, có thể vì vướng bận mưu sinh, không có thời gian ngẫm lại chuyện xưa, nhưng cô đã kiên trì thuyết phục lần thứ hai, thứ ba… thậm chí đến
lần thứ mười. Chừng đó thôi cũng biết, để có được bản danh sách gần 2000 cái tên, cô phải kiên trì, nhẫn nại đến mức nào.

Tháng 4.2009, cô gửi một bức thư cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, với mong muốn khẩn thiết được tìm lại tên cho ngôi trường xưa, để trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị không “trở thành một bảo tàng chết khép kín mọi lối thảo thơm của cuộc đời này”.*

Năm 2008, tại Thanh Hóa đã diễn ra Hội thảo Khoa học cấp Quốc gia về triều Nguyễn. Sự đánh giá đã khách quan và công bằng hơn với vương triều Nguyễn, đặc biệt với chúa Nguyễn Hoàng-người có công đầu mở cõi phương Nam. Hy vọng, tập sách “Chân dung và kỷ niệm” với những lời tâm huyết của những người con Nguyễn Hoàng xưa, những nỗ lực không mỏi mệt của cô học trờ nhỏ Võ Thị Quỳnh, những cái nhìn không còn hờ hững của hậu bối sẽ là những chất xúc tác đủ mạnh để một ngày không xa, ngôi trường xưa lại được trả lại tên Nguyễn Hoàng.

NGÔ HẠ UYÊN
uyenngo609@gmail.com

Chú thích: trích lời mở đầu “Chân dung và kỷ niệm” tập 6.

1 nhận xét:

baolam nói...

Cảm ơn Hạ UYên đã nói giùm những điều muốn nói của bao ace Nguyễn Hoàng ! Cuộc chiến đã qua nhưng điểm lại lũ chúng ta đã mất mát nhiều quá ! Một lớp điểm danh lại không còn mấy đứa ! Quê hương đổ nát hoang tàn những con đường kỷ niệm tuổi học trò giờ trở nên lạ lẫm ! Một ngôi trường cùng những dãy lớp học thân quen chỉ còn một đống gạch đá ngổn ngang và nay một ngôi trường mới mọc lên và những thầy cô năm nào lẫn những lớp học trò của QT gần như đã phủ nhận tất cả ! Lũ chúng ta tìm đâu chốn cũ để quay về ? Dù chỉ để tìm một chút bình yên trong "khung trời kỷ niệm" ! Hãy tha thứ cho những ai không hiểu việc họ đang làm ! Rồi mong một ngày..."châu về Hợp phố" sẽ có lắm kẻ tự vấn : Ôi ! mình đã làm gì thế nhỉ ???

Người theo dõi