Thứ Tư, 26 tháng 8, 2009

GIÓ THỔI TỪ XA, Nguyễn Đặng Mừng

Bốn mươi độ, thơ




Gió thổi từ xa.

Nguyễn Đặng Mừng.
Hỡi bạn đường xa

Hái hoa cho khéo

Hoa nào heo héo

Thì hái bỏ đi

Chớ để làm chi

Ứ ư ư ừ hoa tàn

(Dân Ca Phạm Duy}





- A lô, có phải ông chủ quán Rất Huế không

- Dạ thưa phải

- Ông cho tôi một tô cơm hến

- Ở Đâu

- Bệnh viện thần kinh số…

- Không được chị à. Một tô đem xa rứa làm sao đi

- Mười tô được không

- Để tôi hỏi lại nhân viên có rảnh không đã.

Nhà tôi là quán ăn món Huế. Có bạn bảo sao không đặt là rất Quảng Trị, tôi chỉ cười bảo, “ Có răng mô, mai mốt mình sẽ nấu món Ý, đặt tên rất Ý được không”.

Mỗi tuần có vài cuộc gọi đặt hàng, có khi phải đem tận nơi. Thỉnh thoảng cũng gặp người đùa ác, gọi đặt rồi không đến hoặc cho địa chỉ ma. Rút kinh nghiệm chúng tôi chỉ nhận người đã quen biết. Nhưng hôm nay giọng nói thật quen, của một người hay giỡn, mà không nhớ là ai. Đang lưỡng lự thì :

-Hoa đây

- Hoa nào

- Hoa Plieku.

- Em đang ở đâu

- Sài Gòn

- Về bao giờ

- Em đi tu, cạo trọc đầu rồi. Về Sài Gòn bị bệnh đang nằm bệnh viện thần kinh.

- Thiệt không.

- Không tin anh đến bệnh viện số…

Lâu rồi không gặp. Hoa lại đang bị bệnh. Tôi cùng bà xã đi thăm ngay.

Hoa đã ngồi được. Đầu quấn băng một vòng theo đường mổ. Mặt trắng xanh, cười: “ Chào anh chị. Thấy Hoa nói thiệt không, đi tu mới cạo đầu chứ”. Nước này mà còn đùa được. Hoa lại cười, bảo “cái đầu chứa sự tốt lành, cái gì không tốt phải giải phẩu lấy ra. Anh nhớ bài hát “hái hoa” không, Hoa nào heo héo , thì hái bỏ đi mà”. Haiz, đem hoa mà luận với cái đầu thì thật là ngộ nghĩnh. Hoa vẫn ngộ nghĩnh như thế, từ xưa.

Chúng tôi đi học cùng đường. Buổi sáng từ hướng Long Hưng về Nguyễn Hoàng hàng chục đứa, nhóm H đi xe đạp, nhóm tôi đi bộ, nhóm Hoa và các bạn gái thường đi xe đạp. Biết nhau cả nhưng ít khi nói chuyện hoặc gặp nhau, nếu học khác lớp. Mỗi lần Hoa đạp xe qua mặt chúng tôi thường hát bài hái hoa để chọc.

Mùa hè năm 71 nhóm chúng tôi đi La Vang chơi. Trên đường về Lê Minh, Lê Đức cùng tôi ghé nhà Hoa. Thấy chúng tôi ở đầu ngõ, Hoa ngỡ ngàng một chút rồi biến mất vào buồng. Tưởng Hoa không tiếp, định về thì Hoa nói lớn ra, “chờ Hoa một chút, ra ngay đây”. Hoa mặc áo lụa vàng mới thay. Thằng Minh lém lĩnh nói nhỏ: “Nàng đi thay áo là vì có tau đó, hai đứa bay thì đừng có hòng”.

Chúng tôi nói chuyện trên trời dưới đất, cười vang. Hoa ở với bà nội, hôm ấy bà không có nhà. Hoa hỏi “mỗi lần tôi đạp xe qua mặt các anh hay hát bài gì vậy”. Ba đứa nhìn nhau rồi hát:

Hỡi bạn đường xa/ Hái hoa ừ cho khéo/ Hoa nào heo héo/ Thì hái bỏ đi /chớ để làm chi/ Ư ừ hoa tàn….. Gió thổi từ xa/ Cánh hoa phơi phới/ Yêu làn hương mới/ Chẳng nỡ bẻ hoa/ Gió thổi từ xa/ Ứ ư ư ừ hoa cười/ Bướm đẹp vờn hoa/ Bướm mơn đôi má / Hoa nào thương nhớ/ Thì chóng già nua/ Bướm chỉ nhởn nhơ/ Ứ ư ư ừ hoa sầu. Lũ trẻ đùa hoa/ Ngắt hoa không tiếc/ Hoa còn trinh tiêt/ Còn thiếu tình duyên/ Chớ để vườn tiên/ Ứ ư ư ừ hoang tàn .Và kết bằng câu: gió thổi từ xa/ Ư ừ hoa cười. Lại cười cả bốn đứa.

Vậy thôi. Lại đi học cùng đường, chẳng ai chào ai. Cho đến ngày mùa hè đỏ lửa, đứa chạy một đàng.

*

Năm 1973. Tôi đang đi trên đường Trịnh Minh Thế Pleiku, ngược chiều với 2 nữ sinh đi học về. Hai cô chận tôi lại, và đồng thanh: “Chào chuẩn úy”. Tôi ngỡ ngàng nhìn lên, luống cuống chẳng biết xử sự thế nào. Chuẩn úy sữa như tôi bị chuyện này là thường. Có khi bị trêu: “Anh Sữa ơi, có thèm bú tí không” của mấy ả giang hồ. Nhưng lần này là nữ sinh, lại là Hoa. Tôi hỏi “ Sao Hoa ở đây”. “ Hoa theo gia đình, ba làm việc ở đây. Đang học 12 trường Pleime”. Đứng giữa đường không tiện, tôi mời hai cô vào quán nước. Hoa từ chối bảo phải về kẻo mạ la. Rồi cho tôi địa chỉ nhà ở cầu số 3, gần sân bay Cù Hanh.

Tôi ra đơn vị tác chiến, đóng quân trên Quốc lộ 14, gần đèo Chu Pao. Mới ra trường . Mùa đông ở Tây nguyên gió hú suốt đêm, và lạnh. Tôi làm phụ tá ban 3 tiểu đoàn, lần đầu cầm đèn pin đi kiểm tra vọng gác, lạnh đến run lập cập. Phần đông lính địa phương quân là người thượng. Họ ngồi trên vọng gác tỉ tê hát những bài gì tôi không hiểu. Nhưng buồn lắm. Tôi cứ sợ đêm xuống, những đêm thao thức về những dĩ vãng chưa xa lắm. Nhớ buổi sáng khai trường vở còn thơm mùi giấy mới. Và con đường đến trường mùa thu heo may, mùa đông rét mướt. Những chiếc áo mưa nhiều màu, cho một năm học, mà từ xa chúng tôi có thể nhận biết đó là Hoa, là Tâm là Lộc hay là Do là Soạn…

Tôi cứ trông mau đến chủ nhật để đi chuồn về phố. Phố núi trong thơ Vũ Hữu Định hấp dẫn tôi đến xứ này. Mà chưa thấy em nào má đỏ môi hồng như trong bài hát “Còn một chút gì để nhớ”. Thỉnh thoảng gặp những phụ nữ Gia Rai đi hàng một, ngực trần. Có cô ra chợ mua cái xu chiêng trắng toát mặc vào, ở trần đi dưới nắng trưa. Và bụi đỏ. Và một thành phố lính nhiều hơn dân. Những bóng hồng nữ sinh Pleime là của hiếm. Vậy mà tôi quen Hoa, lại được nhận làm người thân ở xứ sở heo hút này.

Nhà Hoa đông em và luôn vui nhộn. Anh Nguyệt Ba Hoa là thượng sĩ tiếp liệu LĐBĐQ, đóng quân ở Kon Tum. Mỗi sáng chủ nhật thường ghé cầu số 5 để đón tôi chuồn về phố. Anh Nguyệt hay đùa, mời tư lệnh cầu lên ngồi trước, sau khi anh xuống xe vào ngồi băng sau. Anh bảo về nhà là anh em, ra đường phải theo luật nhà binh. Chuẩn úy mà được ngồi băng trước một chiếc Jeep A2 láng cóong nghe sướng làm sao. Về nhà anh Nguyệt không cho gọi bằng chú, bảo quân đội chỉ gọi theo “huynh đệ”. Vậy là Hoa và các em gọi tôi bằng anh, còn tôi gọi ba mẹ Hoa là anh chị. Hàng xóm không biết bà con thế nào mà gọi nhau ngược đời thế.

Mấy tháng sau tôi được chuyển về làm ở ty NNTV, trực thuộc ty công vụ tỉnh Plieku. Đây là thời gian đẹp nhất thời làm lính. Công việc của tôi chẳng có gì rõ ràng, mỗi tuần theo thiếu tá T đi kiểm tra các PCK trong tỉnh. Nhờ vậy 72 xã vùng Pleiku tôi đã đến được hầu hết. Hoặc về các phường trong thị xã để dạy cơ bản quân sự cho NDTV. Chủ nhật tôi thường đi sinh hoạt với các đoàn thể như gia đình phật tử, hướng đạo và có dịp cùng hát với nữ sinh Pleime, Minh Đức. Bao giờ tôi cũng hát bài Hái Hoa. Theo tôi đây là bài hát về hoa đầy triết lý nhân sinh, hay và quyến rủ, vui nhộn và đắng cay cho một kiếp hoa, kiếp người.



Những ngày đầu tháng 3 năm 1975 cả thành phố Pleiku bắt đầu chộn rộn. Tin tức chiến sự làm dân chúng hoang mang. Đến ngày 16 tôi theo một chiếc xe jeep của ông anh cùng đoàn người hỗn loạn đi theo đường 7. Dân và lính nhiều vô kể. Từng đoàn xe dưới bụi mù mở đường băng qua nhiều cánh rừng, giốc đồi chạy về hướng Tuy Hòa. Lúc vượt sông Ba, đến bên thủy lợi Đồng Cam thì bị chận lại. Tính đến lúc này là 15 ngày trên đọan đường vài trăm cây số. Đến ngày thứ ba có tin đã được thông đường. Đoàn xe tiếp tục đi. Rất nhiều người chết trên đoạn đường dọc thủy lợi Đồng Cam. Chúng tôi chạy trong tiếng đạn và pháo. Những cánh tay chới với vẫy theo xin cứu, nhưng trong hoàn cảnh này xe không thể dừng, vì chiếc nào tắt máy là bị hất xuống mương thủy lợi. Trên đường, dưới mương la liệt xác người. Có một chiếc GMC nằm nghiêng bên đường. Tôi nghe tiếng kêu anh M ơi, cứu em với. Tôi thấy cánh tay Hoa đỏ máu với với theo. Và đoàn xe cứ chạy, tôi đang ở trên đó. Lúc này có ai cứu được ai.

Từ lần đó tôi không nghe tin tức gì về gia đình Hoa. Mỗi lần nhớ gia đình Hoa là long nghe ray rứt. Bao năm lên rừng xuống biển, làm tới 20 nghề, dời chỗ ở cũng từng ấy lần. Tôi biết bạn bè cũng chẳng hơn gì, có đứa khá hơn tôi nhưng cũng nhiều đứa còn ở những nơi xa xôi hẻo lánh, hàng chục năm không gặp người quen.
Những tờ báo của cựu HS Nguyễn Hoàng.
Chục năm lại đây cuộc sống dễ thở hơn. Đứa may mắn, làm ăn giỏi đã có nhà lầu xe hơi, nhưng cũng còn nhiều bạn gian nan vất vã lắm, nhất là phụ nữ. Tôi đọc đâu đó về cuộc đời của một nữ sinh Nguyễn Hoàng ba lần bị chồng phụ. Hay gặp trong đời thực bạn bè bao số phận nổi trôi, đường chồng con gãy gánh. Có người nói đùa, lúc chúng tôi đến tuổi lấy chồng các anh ở đâu. Con gái lớn rồi thì phải lấy chồng, gặp đâu lấy đó. Trình độ chênh lệch, văn hóa không đồng điệu nên việc ly hôn, chia tay là không tránh khỏi.

Qua những tờ báo Chân Dung Kỷ Niệm, Hương Quê Nhà, Nguyễn Hoàng, và một số báo của các ban liên lạc SHS NH ở Hải Ngoại, rất nhiều bạn bè tìm được nhau. Gần đây có các nhóm groups mail liên lạc thường xuyên với nhau để kết nối, giúp đở nhau làm ăn hay tâm sự. Thứ năm này có nhóm Trần Văn Hảo, Lê Bá Lư… còn tổ chức “ Sinh nhật những thằng tuổi Tỵ” ở quán tôi nữa đấy. Riêng tôi cũng gặp lại được vài chục bạn cùng thế hệ qua các tờ đặc san Nguyễn Hoàng. Lớp 10c chúng tôi cũng thường tổ chức gặp mặt nhau ở nhà Cô Hồng.

Hoa gọi cho tôi qua địa chỉ trên Hương Quê Nhà năm ngoái. Tôi lên cao nguyên thăm Hoa mùa xuân năm rồi. Hai bên đường vàng rực hoa quỳ. Tôi lại nhớ bài Hái Hoa.
Hoa có quán bún bò gần cầu số 3. Anh em gặp nhau mừng tủi. Hoa kể lại đời Hoa. “Hôm thấy anh chạy ngang ở Thủy lợi Đồng Cam, xe em bị pháo lật nghiêng. Cả nhà bị thương 4 người. Em trai Hoa chết sau đó khi về Cam Ranh”. Rồi 17 tuổi đi làm thanh niên xung phong, hái chè đến khuyết cả ngón tay. Rồi lấy chồng, rồi chồng mất để lại 3 đứa con. Toàn chuyện buồn. Hoa đưa tôi về nhà, giới thiệu các con và rể. Căn nhà nhỏ tươm tất, ngăn nắp sạch sẽ. Đặc biệt là giàn hoa rất tuyệt. Có mấy loài hoa cùng nhau nở. Chúng tôi đứng dưới giàn hoa cùng hát, “Gió thổi từ xa, ư ừ hoa cười”. Hoa vẫn lý lắc như ngày xưa. Các cháu bảo mẹ và cậu hát hay quá, tập cho tụi con bài này đi. Tiếng gọi cậu làm tôi ứa nước mắt.

Cầu chúc Hoa an lành với các con và còn thời gian gặp bạn bè.

Chiều 24.09.2009.

MỜI ĐỌC TIẾP
Những nén nhang lòng kính dâng thầy Ng. Viết Trác, Mừng và Trị

2 nhận xét:

haovanphong nói...

Mừng ơi!"chúng tôi đén tuổi lấy chồng các anh ở đâu?gặp đâu láy đó.."Bài viết của Mừng rất thưc:chiến tranh không ai cứu được ai!
Ông trời cũng còn cho chúng mình cơ hội đẻ gặp nhau, trao cho nhau những nụ cười và cả những giọt nước mắt!Chiến tranh tỷ lệ thuân với phận hồng nhan mà. Trần Hào

Haohao nói...

"lúc chúng tôi muốn lấy chồng thì các anh ở đâu, đợi lâu gặp ai lấy nấy". Ba năm không đợi được sao?Phải nói: lợi đâu chụp nấy!
Võ Thị Tuyết viết trong ĐSNH: 5 cô y tá lên Khe Sanh sau này đều lây chồng quan cm!
Ý kiển Trần Hào

Người theo dõi