Thứ Tư, 7 tháng 4, 2021

Mùa Xuân nào con về?

MÙA XUÂN NÀO CON VỀ?

Lê Văn Tiến


- Khi mô con về thăm mạ, lúc ni mạ yếu  rồi con nhớ về sớm nghe

Mỗi lần tôi gọi điện thoại về Mẹ tôi đều nói như thế. Tuy tôi có những lời trấn an mẹ  nhưng lòng tôi không khỏi ray rứt. Hơn hai  mươi năm sống ở xứ người chưa có một cái tết nào tôi về thăm mẹ, ở bên mẹ trong những ngày xuân đầm ấm như hồi còn tuổi thơ. Tết này tôi được một tháng phép để về với mẹ về với quê hương làng xóm mà trong ký thức tôi luôn là một búc tranh thật tuyệt vời. Hành lý đã chuẩn bị xong. Chưa đến mười ngày nữa là tôi được ở bên Mẹ. Hai Mẹ con sẽ tha hồ kể chuyện xưa, chuyện nay, chuyện những ngày Mẹ tôi mỏi mòn trông đứa con xa trở về.

Thu San Jose, gặp bạn... nhớ lớp xưa


THU SAN JOSE, GẶP BẠN... NHỚ LỚP XƯA

Lê Văn Tiến


Trời đã vào thu, thời tiết ở San Jose thay đổi rõ rệt; buổi sáng ngoài trời khoảng 65o F, tôi phải choàng chiếc áo thật dày mới đủ ấm khi ra ngoài. Tiết trời lành lạnh, những hàng cây hai bên đường phủ một màu vàng có sức gợi nhớ bâng khuâng, nao lòng như tranh phong cảnh của Levitan, càng ngắm càng đắm chìm trong ký ức xa xôi. Tâm trạng những ngày đầu thu thật lạ, lúc nào cũng nôn nao như một dự cảm hy vọng. Và đó là cú điện thoại hằng mong; giọng nói nhẹ, trong, nghe vui dù câu đầu tiên là “trách”: Chào Tiến, khỏe không? Sao không trả lời tin nhắn và email của Cúc. Chiều nay Cúc và vợ chồng Lài sẽ đến San Jose, Tiến cố gắng đến gặp bạn nhé!

Dương Thị Lài, người bạn cùng lớp Tam C, hơn 45 năm rồi chưa có dịp gặp lại. Còn Lê Thị Cúc ở Nam Cali. nên thỉnh thoảng có gặp nhau. Tin vui bất ngờ, một cảm giác rạo rực kỳ lạ, bất giác tôi bật máy và nhẩm hát theo giai điệu đằm thắm, sâu lắng:

Anh mong chờ mùa thu

Trời đất kia ngả màu xanh lơ

Đàn bướm kia đùa vui trên muôn hoa

Bên những bông hồng đẹp xinh.... 

***

Theo lời hẹn của Cúc, đúng 6 giờ chiều tôi đến nhà anh Văn Quang Diệp - bạn học trường Bồ Đề với Lài. Nhà Diệp đông đủ bạn bè của Lài và anh Sinh. Chào xã giao mọi người xong, tôi “trố mắt” nhìn Lài, vẫn nụ cười tươi, hiền như xưa. “Lài không thay đổi gì hết, vẫn duyên dáng như những ngày ở Tam C”, tôi nói rất thật lòng.

Nhìn Lài rồi lại nhìn Cúc, những kỷ niệm xa xưa lại ùa về trong tôi. Những khuôn mặt thân thương của Tam C ngày nào, hơn 45 năm rồi bây giờ kẻ còn người mất nhưng kỷ niệm không bao giờ phai nhạt trong tôi. Có người hỏi tôi: Sao không nói về Nhất C, Nhị C mà chỉ nói về Tam C? Không biết tôi có chủ quan không khi viết về Tam C và tôi cho đây là lớp học đẹp nhất trong cuộc đời đi học của tôi. Sau 4 năm dài học đệ nhất cấp, tuổi thơ ngây tôi chưa cảm nhận sâu sắc tình bạn bè và tình thầy cô. Từ giã bảng tên màu đỏ, được mang bảng tên màu xanh trên áo trắng, tôi thấy mình trưởng thành thêm một chút; lên năm đệ Tam tôi cảm thấy hưng phấn hơn vì sắp bước vào ngưỡng cửa của tương lai. Hai kỳ thi tú tài sắp tới, ai cũng gắng sức để đạt được mảnh bằng quan trọng nhất của bậc trung học.

Lớp Tam C có khoảng 40 học sinh, đa số là nữ. Đặc biệt lớp Tam C chúng tôi qui tụ toàn những thiếu nữ xinh đẹp và duyên dáng. Tôi khoe với những người bạn đêm hôm đó: Cúc và Lài là những bông hoa xinh xắn của lớp Tam C chúng tôi đó. Có người hỏi: Thế hồi đó anh có trồng cây si mấy cô này không? Thú thật, hồi đó tôi mới 16 tuổi nhưng cũng cảm nhận được nét đẹp dậy thì của mấy cô thiếu nữ tuổi cập kê; chỉ  cảm nhận thôi chứ không dám nhìn hay tán tỉnh một ai vì nghĩ mình là “hai lúa”.

Lớp Tam C may mắn được cô Võ Thị Hồng làm giáo sư cố vấn. Cô cho phép học sinh gọi bằng chị, tình cảm của cô đối với học sinh trong lớp như tình chị em. Phạm Đình Quát làm lớp trưởng, bây giờ gặp lại anh chàng này chúng tôi gọi là “anh đầu bạc”. Quát đã thành lập blog Tam C 68-69 để kết nối các bạn học cùng lớp, nhờ vậy chúng tôi liên lạc được với nhau dù sống tha phương hay đang sống ở quê nhà. Người gây ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi là cô Tâm Thạnh dạy anh văn. Cô thường mặc chiếc áo dài màu tím, nụ cười hiền hòa luôn nở trên môi. Cô Tâm Thạnh ít nói nhưng luôn thể hiện sự quan tâm đến học sinh nhất là những đứa học sinh nghèo như tôi. Năm đệ Tam C, kỳ thi bán niên thứ nhất tôi được may mắn làm sơ mi (chemise) môn Anh văn, nhưng rồi kỳ thi bán niên thứ hai tôi không làm bài được. Bài Essay tôi chỉ viết được nửa trang giấy, sau khi chấm bài cô ngạc nhiên và hỏi tôi: Sao em làm bài không được, gia đình em có vấn đề gì không? Tôi bối rối trả lời cô: Dạ thưa cô không có gì, tại ngày thi em bị cảm. Thực ra, lúc đó tôi vừa mất đứa em gái út sau một cơn bạo bệnh nên tâm lý không ổn định. Tôi hứa với lòng mình lần về quê tới tôi sẽ ghé Huế thăm Thầy Cô, trong tâm tư luôn cầu chúc Thầy Cô được dồi dào sức khỏe.

Tiếp đêm hôm đó, tôi được tháp tùng theo nhóm bạn của Cúc và Lài chuyển qua một nhà khác. Nhà anh Sơn chiêu đãi chúng tôi thân tình và... rất “ngon miệng” với những nồi lẩu hải sản tuyệt vời. Tôi được gặp thêm vài người bạn thân quen ở San Jose như anh chị Hùng, anh chị Thưởng, anh chị Hiền… Không khí rất vui vẻ và thân mật. Tôi đang nhâm nhi chai Heineken và trò chuyện với anh Sinh ở nhà trên, chợt nghe vọng lên, chậm rãi, ngọt ngào... “Hà nội mùa này vắng những cơn mưa, cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh, hoa sữa thôi rơi, ta bên nhau một chiều tan lớp, đường Cổ Ngư xưa chậm chậm bước ta về.... Lại thêm bất ngờ nữa, dù tôi đã từng nghe những lời khen giọng hát truyền cảm của Lê Thị Cúc nhưng tôi chưa có dịp thưởng thức. Chưa hết ngạc nhiên, hôm ấy tôi còn dược biết bạn Cúc hiện là trưởng ban văn nghệ của hội ái hữu Nguyễn Hoàng ở Nam Cali. Thật đáng vui và hãnh diện.

Nói về nhân tài của lớp Tam C, còn nhiều lắm. Ngô Hai (nay là Ngô Trọng Hùng), một con người “bí ẩn”, bây giờ mới biết anh ta có rất nhiều biệt tài. Ngoài văn chương, Ngô Hai còn là một họa sĩ khá nổi tiếng ở các tỉnh miền Đông. Tôi vẫn thích mấy câu thơ của Ngô Hai bàng bạc những kỷ niệm tuổi học trò với tình cũ trường xưa:

Tình cờ đất khách gặp nhau

Tuổi xanh nay đã nhuốm màu tóc sương

Nhớ xưa chung học một trường

Ngồi chung một lớp xót thương quê nhà.

Còn bạn Thùy Dương, cô giáo về hưu đã lâu lắm nhưng vẫn chưa bỏ nghề, hiện sống bên dòng Ô Lâu êm đềm; một lần ngang qua mảnh đất trường Nguyễn Hoàng xưa đã xúc cảm thành thơ:

Lần qua lối cũ trường xưa

Mắt mình chợt ướt như mưa năm nào

Lối mòn lá hát xôn xao

Ngẩn ngơ như một thuở nào biết yêu

Để rồi từng giọt nắng chiều

Rót vào tâm tưởng trăm điều tơ vương

Áo ai trắng cả sân trường

Bên hành lang cũ nghe dường phôi pha.

Còn đâu ngôi trường thân yêu với những cành phượng vĩ đỏ thắm sân trường, còn đâu những tà áo trắng vờn bay theo gió. Trường Nguyễn Hoàng chỉ còn trong tâm tưởng của bao thế hệ học sinh nay đã trắng đầu sương gió hoặc đã lui vào thiên cổ.

Bạn tôi, Nguyễn Khắc Phước, con người sống trầm lặng, chân thật. Có lẽ anh chàng này ảnh hưởng từ dòng sông Ô Lâu ở quê nhà hiền hòa và chất phác. Lúc còn đi học, tôi rất mến Phước, hai đứa hay ngồi chung bàn. Phước giống tôi ở nhiều điểm. Xuất thân từ gia đình nghèo lên tỉnh học và tự nhận mình là “hai lúa” nên rất mặc cảm với bạn bè. Phước cũng có một cuộc tình không đoạn kết như tôi, để rồi 30 năm sau người xưa “trách” chàng:

Sao hồi đó anh không cưới em?

Câu hỏi không phải từ tiểu thuyết

Mà chính từ môi em

Giọng buồn da diết

Dấu trong lòng suốt ba chục năm

Sao hồi đó anh không cưới em?

Huế nắng chiều rất êm rất êm

Áo trắng em bay từ Nữ Thành nội

Hai đứa mình lang thang không biết mỏi

Hình như anh chưa cầm tay em.

……..

Còn anh chàng có lối sống phá cách lập dị mà tôi rất ngưỡng mộ: Hồ Sĩ Bình. Lúc còn đi học, hắn đã thể hiện chất “ngông” khi giao du với bạn bè. Tôi và Bình học với nhau từ đệ Thất đến lớp 12 nên biết khá rõ tính tình của Bình, sống bất cần, không thích khen chê ai. Năm 2013, tôi gặp lại Bình ở Đà Nẵng, cũng không khác xưa, vẫn lối sống phóng khoáng của chàng nghệ sĩ. Nhưng ngược lại, trong thơ văn của Hồ Sĩ Bình đượm màu quê hương. Tôi đã đọc qua nhiều tản văn của Bình như: Ai về Chợ Thuận, Nhạn qua sông bóng còn in trên mặt nước, Sông hoa Thành Cổ, Bên triền sông Ô Lâu... Tất cả đều nói lên thân phận trăn trở của con người và nỗi đau quê hương qua cuộc bể dâu biến đổi. Ngôi chợ xưa thay tên, dòng sông cũ mất dấu... tất cả những nuối tiếc đó đếu thể hiện trong thơ văn của Hồ Sĩ Bình.

****

Sáng hôm sau, tôi mời Cúc, vợ chồng Lài ra uống cà phê ở Coffee Lovers, một quán cà phê lớn của giới văn nghệ trí thức ở Bắc Cali. Buổi sáng đầu thu nắng vàng rực rỡ, con đường Capitol trục lộ chính của San Jose tấp nập xe cộ. Chúng tôi có nhiều thời gian hơn để tâm tình giữa ba người bạn và chụp mấy tấm hình lưu niệm. Cúc, Lài và tôi nhắc chuyện ngày xưa của Tam C nhiều hơn. Anh Sinh cũng rất tế nhị, yên lặng để ba chúng tôi  “tâm sự loài chim biển”. Tôi mở đầu câu chuyện. Lúc học Tam C Cúc và Lài có người yêu chưa? Lài nhanh miệng: Lài còn con nít biết chi mô mà yêu. Cúc không trả lời mà “ăn gian” hỏi lại tôi: Rứa Tiến có để ý đến ai không? Tôi bạo miệng, nói “trạng”: Có chứ, Tiến để ý rất nhiều người trong lớp mình như mê mái tóc đẹp ngang lưng của Cúc, thương nụ cười hiền của Lài và thích cái tinh nghịch của Ánh Tuyết, Thu Thủy A và Thu Thủy B. Lài nói: Tiến có nói xạo không đó?. Tôi thầm nghĩ, lúc đó tôi cũng chỉ là gã cù lần làm gì có chuyện yêu đương tán tỉnh ai. Câu chuyện giữa ba chúng tôi đang sôi nổi thì điện thoại reo vang. Thể Tần gọi: Xin lỗi Tiến, miss call không trả lời kịp. Ba người gặp nhau vui không? Tôi trả lời Thể Tần: Rất vui sao Tần không đến San Jose gặp tụi này. Tần đang có việc làm, không đi được, hẹn gặp các bạn ở Việt Nam sang năm. Tôi cũng có mong muốn như Thể Tần, Tam C nên có một cuôc hội ngộ ở quê nhà.

Sau khi đến thăm nhà Kim Thanh - cũng là một người bạn của NH 64-71, nhưng Kim Thanh học ban B Pháp văn - tôi đưa Cúc ra phi trường để về lại Nam Cali, vợ chồng Lài về sau. Lài và Cúc ôm nhau khóc làm tôi cũng bùi ngùi. Bạn bè mấy mươi năm gặp lại rồi chia tay, làm sao không vương vấn. Trên đường vào phi trường tôi tâm tình với Cúc, sau này về hưu tôi muốn về sống ở quê hương. Hơn hai mươi năm sống trên xứ người tôi luôn cảm thấy thiếu vắng một cái gì thật thiêng liêng; đó là tình quê hương.

Tiễn bạn đi rồi, tôi lái xe về một mình mà thấy lòng nao nao. Nhìn bầu trời trong xanh, những chiếc lá vàng chao liệng theo gió như những bàn tay vẫy chào. Vậy đó, cuộc hội ngộ nào rồi cũng có lúc chia tay, cầu mong các bạn Tam C dồi dào sức khỏe để chúng ta có cơ hội gặp nhau đông vui hơn.


San Jose mùa Thu năm 2015

Lê Văn Tiến








Người theo dõi