Thứ Tư, 29 tháng 9, 2010

TRẦN XUÂN AN - QUANH VẤN NẠN LỊCH SỬ: KẺ CÁT CỨ HAY ANH HÙNG MỞ CÕI?



(những ý tưởng ngoài lề
khi đọc tiểu thuyết “Ký tự chìm trên bia đá cổ” của Tố Hoài)



Mười hai tuổi rưỡi, tôi rời xa gấu áo của mẹ và quê nhà Quảng Trị. Vì thế, tôi không được vinh dự mang trên ngực áo trắng học trò thời trung học danh tính của một nhân vật lịch sử — Nguyễn Hoàng (1524 – 1613) — vốn là niềm tự hào của Quảng Trị, của cả Đàng Trong, rồi của cả nước hơn ba trăm năm (1558 – 1885…), và còn âm hưởng mãi đến sau này.

Thế rồi, sau Ngày Thống nhất đất nước (1975), những học sinh và cựu học sinh Trường Trung học Nguyễn Hoàng đồng hương phải bóc tên ông ra khỏi ngực áo hay kỉ niệm của mình.

Mặc dù tôi không là học sinh của ngôi trường mang tên ông, tôi cũng biết có những thập niên niềm tự hào ấy trở thành nỗi trăn trở, nhức nhối sử học, không phải bên ngoài mà phía trong ngực áo của nhiều người, không chỉ ở Quảng Trị mà trên cả mọi mảnh đất Tổ quốc.

Sự thật một thời vừa qua là vậy đó.

Gần đây, giới sử học gần như đã phục hồi danh dự cho nhân vật Nguyễn Hoàng. Sách báo mới xuất bản, ấn hành không còn gọi ông là kẻ cát cứ, chia cắt Đất nước thành hai đàng, Đàng Trong và Đàng Ngoài. Với cái nhìn lịch sử – cụ thể, sử học không còn bị chi phối bởi đường lối chính trị thời tiến hành chiến tranh thống nhất đất nước (1954 – 1975), Nguyễn Hoàng hầu như đã được phục hồi danh dự (tôi nhấn mạnh): Nguyễn Hoàng lại là người anh hùng mở cõi.



Cách đây một tháng, tôi được anh Tố Hoài tặng cuốn tiểu thuyết mới nhất của anh, “Ký tự chìm trên bia đá cổ” (Nxb. Thanh Niên, 12-2009). Trong tiểu thuyết này, với lời tự ngỏ đầu sách, người đọc ngỡ anh viết về Nguyễn Diễn (1), con trai của Nguyễn Hoàng. Nhưng cả cuốn tiểu thuyết lại không phải như vậy. Nguyễn Diễn chỉ được viết lướt qua trong khoảng mươi trang. Kì thực, Tố Hoài tỏ ra quan tâm đến thân sinh của Nguyễn [Phúc] Diễn hơn! Hơn thế nữa, anh đã thể hiện một cách nhìn không chỉ về Nguyễn Hoàng, mà cả những tiền bối, hậu bối trực hệ của ông, ấy là Nguyễn Văn Lang, Nguyễn Hoằng Dụ, Nguyễn Kim, ấy là Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Sãi, ở ngôi: 1613-1635), Nguyễn Phúc Lan (chúa Thượng, ở ngôi: 1635-1548), Nguyễn Phúc Tần (chúa Hiền: 1648-1687)… Theo đó, tôi nhận ra Tố Hoài không tập trung khắc họa một nhân vật nào thành hình tượng quán xuyến từ đầu đến cuối tiểu thuyết, mặc dù nhân vật anh quan tâm nhất vẫn là Nguyễn Hoàng.

Tiểu thuyết của Tố Hoài vì thế, có thể gọi là tiểu thuyết biên niên, bao quát cả một chiều dài lịch sử từ thời nhà Hậu Lê suy đốn bởi hai tên vua Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, dẫn đến sự kiện Mạc Đăng Dung cướp ngôi, dựng nên triều Mạc (1527-1592), khiến cuộc chiến tranh Nam (Lê) – Bắc (Mạc) bùng nổ, kéo dài đến khoảng sáu mươi năm, song song và nối tiếp bởi thời kì Nguyễn Hoàng cùng các hậu duệ của ông từng bước xây dựng, mở mang Đàng Trong, và rồi, không cách nào khác, cuộc chiến Trịnh – Nguyễn phân tranh tất yếu phải nổ ra, bất phân thắng bại, trong quãng thời gian bốn mươi lăm năm, tính từ trận đầu (1627) đến trận cuối (1672), chưa kể trận Hoàng Ngũ Phúc thừa lệnh Trịnh Sâm vào xâm chiếm Thuận Hóa (khoảng 1774-1775).

Theo tôi, “Ký tự chìm trên bia đá cổ”, nếu không gọi là tiểu thuyết biên niên, hẳn phải gọi là tiểu thuyết thế phả.

Tuy vậy, với ngọn bút tiểu thuyết, Tố Hoài có ý thức, rất có ý thức nữa là đằng khác, anh không muốn thuyết phục ai phải tin những điều anh thu nhặt từ sách sử để đưa vào trang văn của mình là tuyệt đối xác thực. Hầu như anh không có một chú thích nào ghi rõ xuất xứ những sử liệu anh sử dụng. Tôi biết, đối với tác giả Tố Hoài và nhiều người đọc tiểu thuyết, vấn đề là chất lượng tiểu thuyết có hấp dẫn, sinh động không, chứ không phải là có xác thực hay không. Đây chính là điểm khiến tôi đã cầm “Ký tự chìm trên bia đá cổ” lên tay, xem tổng quát, rồi buông khỏi tay. Nhưng rồi, tôi lại tự bảo, phải tự kìm lại quan điểm khoa học lịch sử phải thật sự khoa học của mình để đọc thử tiểu thuyết “Ký tự chìm trên bia đá cổ” theo cách viết của Tố Hoài, cũng là cách viết của nhiều nhà văn từ trước đến nay, vốn phóng túng như thế.

Đọc xong, tôi lại nhận ra, Tố Hoài cũng không có ý định viết tiểu thuyết dựa vào sử liệu để nhằm đưa ra những triết lí lịch sử, kiểu Shakespeare với những vở kịch lừng danh của ông, cũng không bay bướm, đầy chất nghệ sĩ, lặn sâu vào nội tâm nhân vật lịch sử, bất chấp điều tiếng “xuyên tạc lịch sử” như Nguyễn Xuân Khánh gần đây.

Thật ra, Tố Hoài viết tiểu thuyết nhưng không xa các bộ sử kí như “Đại Nam thực lục tiền biên”, “Đại Nam liệt truyện tiền biên” hay các bộ sử của giới sử học từ Trần Trọng Kim cho đến các nhà nghiên cứu ngày nay là bao. Anh còn chứng tỏ là đã tham khảo nhiều sách báo, nhưng anh không chú thích xuất xứ mà thôi. Tất nhiên, anh có hư cấu thêm cho sinh động và cũng để dẫn mạch truyện.

Điều đáng ghi nhận ở Tố Hoài là anh đã có một cái nhìn sáng tỏ hơn, như chê Lê suy tàn hung ác, dâm loạn, chê Lê trung hưng bạc nhược, hèn yếu, chê Mạc vô sỉ, đê hèn, xem ngai vàng, sự sang giàu của mình hơn cả quốc thể, đất đai Tổ quốc, chê Trịnh Kiểm và hậu duệ nham hiểm, đoạt công, cướp quyền, tham lam quyền lực, ức hiếp vua Lê; đồng thời anh đề cao “nhà đảo chính” Nguyễn Văn Lang, thực chất là phù chính diệt tà, trung trinh với nhà Hậu Lê, đề cao Nguyễn Kim sáng suốt, trầm tĩnh, quyết sang Lào lập căn cứ địa, bền chí phục hưng Hậu Lê, đề cao Nguyễn Hoàng và thân nhân, hậu duệ của ông đã thức thời, tỉnh táo, từ cái thế bị Trịnh Kiểm chèn ép, đe dọa đến tính mệnh bản thân, dòng tộc mà lánh vào chốn “biên châu ác địa” để lập nên một bờ cõi riêng, chủ yếu trên đất cũ của các triều trước (từ Đèo Ngang đến Thạch Bi), để rồi ở vào thế không thể không bẻ gãy gọng kìm Chiêm Thành phía nam để tồn tại, không thể không khai khá Thủy Chân Lạp để đủ thực lực kinh tế trong sự đối đầu với Đàng Ngoài, không thể không mở cửa giao thương với các nước xa gần để trao đổi và tìm kiếm sự ủng hộ. Tố Hoài cũng dành nhiều trang ca ngợi Đào Duy Từ, một kẻ sĩ vì lí lịch gia đình “con hát” mà bị Lê – Mạc bạc đãi.

Một điều khác, không rõ có phải vì anh từng là một bác sĩ quân y trong cuộc chiến tranh thống nhất đất nước vừa qua, tận mắt chứng kiến, chữa trị bao nhiêu thương binh với những vết thương khủng khiếp, nên anh sợ hãi máu me chiến trận, không hề miêu tả cận cảnh, chi tiết một trận chiến nào? Vả lại, Nam (Lê – Trịnh) – Bắc (Mạc), Trong (Nguyễn) – Ngoài (Lê – Trịnh) thực chất chỉ là nội chiến, không phải là hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chống ách ngoại xâm!

Một điều khác nữa, khi Tố Hoài cố sức biện minh cho việc Nguyễn Hoàng quyết gả con gái út Ngọc Tú của mình cho Trịnh Tráng (có nghĩa là cháu nội của Ngọc Bảo [Trịnh Tráng] lấy cháu gọi Ngọc Bảo là cô ruột [Ngọc Tú]), nhằm mục đích chính trị là cho Ngọc Tú làm con tin, để tránh sự truy sát của Trịnh Tráng đối với Nguyễn Hoàng, người đọc thấy Tố Hoài đã sa lầy vào hôn nhân đồng huyết, tuy không trực hệ, nhưng cũng nên tránh, nên phê phán (2).

Gấp tiểu thuyết “Ký tự chìm trên bia đá cổ” lại, tôi nghĩ, thực ra, “kẻ cát cứ” Nguyễn Hoàng muốn tạo dựng, mở mang một đất nước riêng, dẫn đến cuộc nội chiến Trong (Nguyễn) – Ngoài (Lê – Trịnh) về sau giữa các hậu duệ của hai Đàng, tổn hại biết bao xương máu nhân dân, mặc dù trong tám trận (kể cả trận 1774-1775), có đến bảy trận là do chúa Trịnh chủ động tiến đánh. “Kẻ cát cứ” ấy có tội với lịch sử hay không? Nhưng còn phải thấy Nguyễn Hoàng dẫu sao cũng là người biết Trịnh Kiểm “tạo điều kiện” cho Dương Chấp Nhất đầu độc thân sinh của chính Nguyễn Hoàng (là Nguyễn Kim), cướp công gầy dựng lực lượng trên đất Lào, công làm chủ cả Thanh Hóa, Nghệ An của cha mình, lại ức hiếp vua Lê, nhưng ông nhẫn nhịn, tìm kế vừa thoát thân vừa mở mang, khai hoang, lập ấp ở vùng “biên châu ác địa”; cũng phải thấy, trong bối cảnh “trâu mạnh trâu được, cỏ mạnh cỏ được”, giữa hai gọng kìm Đàng Ngoài và Chiêm Thành phía trong, đất nước ta cũng nhờ các chúa Nguyễn, biết phát huy ý chí, ước nguyện của tiền bối Nguyễn Hoàng, đành phài bẻ gãy gọng kìm phía nam, khai hoang vùng Thủy Chân Lạp vốn thưa vắng bóng dáng cư dân, trước hết để tồn tại, nên đất nước mới dài rộng như ngày nay.

Trong giai đoạn chiến tranh thống nhất đất nước (1954-1975), một khi Nguyễn Hoàng trở thành biểu tượng chính nghĩa trong việc chia cắt đất nước, đối với Miền Nam, thì ở Miền Bắc, tất nhiên Nguyễn Hoàng phải bị hạ bệ. Vả lại, ai bảo sử Miền Bắc không còn ảnh hưởng của quan điểm “chính thống” Đàng Ngoài phong kiến?

Đến nay, đã hơn ba mươi năm giang sơn quy về một mối, công cuộc Đổi mới (1986) đã mở ra khá lâu, nên ý thức sử học khách quan đã được phục hồi. Đây là lúc phải xác định cùng nhau rằng, mọi hiện tượng lịch sử có vẻ giống nhau, nhưng thực chất vẫn khác nhau, và phải mài sắc quan điểm lịch sử – cụ thể. Vâng, không thể đánh đồng Triệu Đà nhà Tần với Nguyễn Hoàng, càng không thể đánh đồng cuộc nội chiến Nam (Lê – Trịnh) – Bắc (Mạc) với cuộc nội chiến Trong (Nguyễn) – Ngoài (Lê – Trịnh), và lại càng không thể đánh đồng hai cuộc nội chiến thực sự ấy với cuộc chiến tranh chống Mỹ – tả đạo, thống nhất đất nước vừa qua (1954-1975). Vâng, cũng vậy, không thể đánh đồng lũy Thầy, lũy Trường Dục do kiến trúc sư quân sự Đào Duy Từ thực hiện với hàng rào điện tử Mac Namara!

Nếu không rạch ròi như thế, các nhân vật lịch sử vẫn còn bị lợi dụng, xuyên tạc với ý đồ, mục đích trước mắt của hậu thế.

Tôi cũng tin rằng “Ký tự chìm trên bia đá cổ” sẽ giúp cho chúng ta cảm thông được nỗi đau của những người bị lâm vào thế cùng đường, buộc phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để phiêu dạt đến chân trời, góc bể, biên châu ác địa. Riêng tôi, tôi vẫn nhận thức việc ra đi khỏi đất nước đến ba triệu người sau cuộc chiến tranh thống nhất đất nước vừa qua (1954-1975) là khác hẳn với những cuộc di dân thời phong kiến, nhưng biết đâu cũng là dịp để có một Nguyễn Hoàng nơi đất Mỹ, một nước Mỹ vốn hào phóng với nạn nhân của chính Nhà nước Mỹ và của chính Vatican.

Và dẫu sao, đây cũng chỉ là những ý tưởng ngoài lề khi đọc tiểu thuyết “Ký tự chìm trên bia đá cổ” của Tố Hoài.

Trần Xuân An

Nguồn: txawriter.wordpress.com

Không có nhận xét nào:

Người theo dõi