Thứ Bảy, 19 tháng 6, 2010

Không thầy đố mày làm nên, HOÀNG BÁCH LỘC


Để chào mừng lần họp mặt thứ hai của cựu thầy cô giáo và học sinh trường trung học Nguyễn Hoàng, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của anh Hoàng Bách Lộc, một cựu học sinh Nguyễn Hoàng. Bài viết được tìm thấy trên trang www.giohocduong.com.

Câu ngạn ngữ đó rất đúng với tất cả mọi người. Riêng đối với anh em trong Giờ Học Đường, ngạn ngữ đó mang một ấn tượng sâu nặng. Là những nhà giáo suốt đời chỉ biết làm việc trong ngành giáo dục, chúng tôi hiểu rằng một Thầy, một Cô tốt sẽ đào tạo ra những học sinh hữu dụng. Sự đóng góp với xã hội tùy năng lực mỗi người, nhà giáo chúng tôi, như một đồng nghiệp đã phát biểu, ”Chị em mình chỉ chia sẽ kiến thức.”



Không hẳn thế. Trong mọi tình huống nháo nhương hay an bình, nhà giáo vẫn là những người cầm ngọn đuốc nhỏ soi đường cho thế hệ mai sau. Bài viết dưới đây xin gởi đến những đồng môn: Nguyễn Hoàng, Trần Văn Long, Phan Văn Năng, Phạm Thị Ngọc Loan, Hồ Thị Kim Phượng và biết bao nhiêu đồng môn của Hoàng Bách Lộc ở lớp đệ Thất của niên học 61-62 ở trường Trung Học Nguyễn Hoàng, Quảng Trị.

Tôi vẫn luôn luôn muốn viết về Thầy mình. Ở cái tuổi sắp tới ngày phải đối diện với những điều hay và dở mình đã làm trong đời, tôi vẫn nghĩ ở một phút giây nào đó nói về một người đã làm thay đổi đời tôi. Ba mẹ tôi đã sinh tôi ra, công ơn đó như trời biển; nhưng một người đã làm thay đổi đời mình, giúp tôi sống giản dị và làm việc cho đám trẻ nhỏ, đào tạo một lớp người hữu ích cho cộng đồng và xã hội…Tôi vẫn nghĩ người đó đáng được vinh danh. Trong sự khiêm nhường của một đời người, tôi xin viết về Thầy mình.



Tôi đã đi học đằng đẵng suốt một đời. Mỗi ngày là một ngày học. Tôi vẫn khuyên bảo các em học sinh, ngày nay có em đã trên 40, rằng hãy nhớ đến công ơn Thầy Cô. Tôi tin rằng chọn nghề giáo là một quyết định theo không phải là dễ. Nghề này đòi hỏi nhiều kiến thức, nhưng không làm giàu được với nghề này. Niềm an ủi là thấy học trò mình thành đạt, trở nên những người hữu dụng cho xã hội.

Thầy tôi, ông Đoàn Đăng Khoa, là một người đặc biệt. Tôi vào học lớp đệ Thất của Thầy khi tôi tròn 11 tuổi. Trường học là một ngôi trường tỉnh lỵ nhỏ, Quảng Trị. Thầy người Huế, đẹp trai như James Bond, và có cô vợ mỹ miều không kém. Ấn tượng đầu với tôi về Thầy là sự công bình. Là một cậu học sinh học dở nhất lớp từ lớp Năm đến lớp Nhất, tôi mang mặc cảm của một cậu học trò dốt nát, khi vào lớp, tôi đến rất sớm, và ngồi dưới bàn cuối. Thầy tôi lúc bấy giờ rất trẻ, ông ở vào lứa tuổi 25 hơn. Thầy vẫn bận rộn với sách vở trên bàn, nhưng ông bỏ hết, xuống gặp tôi và nghiêm nghị, ”Em vào trước, sao ngồi đây?” Câu nói chí tình khiến tôi muốn chảy nước mắt. Tôi nhìn ông. Ông nghiêm nghị, “Lên ngồi trên kia.”

Tôi đã đi học qua biết bao nhiêu Thầy Cô. Nhưng Thầy là một người đặc biệt. Đức tính công bình đó làm tôi suy nghĩ. Tôi trở thành, và cố gắng trở thành một học sinh tốt, để làm vui lòng Thầy và Cô (Thầy dạy tôi Anh Văn và Toán, Cô dạy tôi Vạn Vật).



Thầy và tôi sống với biết bao kỹ niệm năm đó. Tôi trở thành người học sinh khá hơn, nhờ sự chăm sóc của Thầy, và của Cô. Cô Thầy yêu mến tất cả các học sinh, niên học năm đệ Thất trở thành một kỹ niệm không bao giờ quên. Người thầy đó đã đặt nền tảng cho sự cố gắng và nỗ lực không ngừng cho một người học trò nhỏ. Những cố gắng đóng góp tin tức chỉ dẫn về giáo dục của Giờ Học Đường là một phần để đền đáp công ơn của Thầy, ”Hãy sống vì thế hệ mai sau.”



Chúng tôi làm công việc giáo dục vô vị lợi này, trong một ước ao nào đó, là để đền đáp những công ơn của tất cả các Thầy Cô, và đặc biệt với Thầy của tôi, ông Đoàn Đăng Khoa.



Hoàng Bách Lộc

www.giohocduong.com

Không có nhận xét nào:

Người theo dõi