Thứ Năm, 3 tháng 12, 2009

Không chỉ riêng ai, ĐINH QUANG TUYẾT


    
   Bạn nói với tôi: “Lật sách Nguyễn Hoàng toàn nghe tiếng ve, rồi màu hoa Phượng hay thời hoa mộng”, vv và vv. Một bạn nữa lên tiếng: “Học hành gì toàn ‘vất vở bụi tre’, hay đến thăm thầy đau lại lén lấy trái cây nhà thầy, quậy phá tùm lum hèn gì lông bông cả lũ, không tiếng như Quỳnh, chẵng cao như Hường, vv lại vv
     Chao ơi! Biết sao được khi đời học sinh gắn liền tà áo trắng, tiếng ve và hoa phượng đỏ...Bây giờ ai cũng đầu hai thứ tóc chạnh lòng nhớ thời xưa, đó không là một thời hoa mộng là gì? Và biết làm sao khi nghiệp dĩ đã định, “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”, không hoang nghịch làm sao “được” mang tiếng đó? Quan trọng hơn nữa là “Chuyện tốt dễ quên, điều sai nhớ mãi” nên xưa mới có câu “Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” đó sao. Vì thế những mẫu chuyện cười ra nước mắt hay đau khổ một thời là học sinh không thể phai nhòa trong trí nhớ, là vô giá đấy bạn ơi! Hôm nay tôi tiếp tục kể một kỷ niệm khó quên của tôi với thầy cố vấn năm học 11C nữa đây. Các bạn có cười hay ý kiến gì gì đi nữa đó cũng là một ký ức rất đẹp của những năm tháng học trò.
     Chúng tôi gọi lén thầy là Jormachel (?) mà thầy trông giống người ca sĩ nổi tiếng nầy thật đấy. Mỗi lần thầy chạy xe ngang qua, tôi lại cả gan thầm thì với lũ bạn: “Xe thồ kìa”, vì sau pót-ba-ga bao giờ cũng quấn dây ruột xe (cao su). Thầy thường kể về quá khứ khổ nhọc đời mình rất tự hào: phải bán trứng lộn kiếm tiền đi học vì nhà nghèo… cốt yếu để động viên, để nhắc nhủ chúng tôi chăm chỉ học hành khi may mắn sinh trưởng trong hoàn cảnh no đủ. Xen lẫn vào bài học English for Today luôn luôn là những câu nói hay, những áng văn học nỗi tiếng nước ngoài có nội dung đấu tranh phản đối phân biệt chủng tộc, đòi hỏi quyền bình đẵng con người hay nỗi trăn trở của thân phận nhược tiểu. Chẳng bao giờ thấy thầy cười có chăng chỉ là cái nhếch môi khinh bạc, nên học trò lại thầm thì: Thầy Đỏ. Chắc các bạn đã đoán thầy là ai rồi chứ gì? Đó chính là Thầy Trần Ngọc Cư.
     Nếu luận bàn về phương pháp dạy ngoại ngữ, về tâm huyết của một người thầy thì chẵng có gì phải bàn, vì thầy vừa giỏi, uyên bác vừa tâm huyết trong trách nhiệm truyền bá kiến thức. Lớp tôi hồi đó nữ nỗi trội hơn Nam về Anh Ngữ, đó là V.T.Quỳnh, Hà thị B.Hường, Thu Trang, Quãng Trung vv. Còn tôi học lực chỉ nằm ở mức trung bình, ít năng nổ hoạt động trong lớp, lại mê văn nghệ, báo chí. Thầy thì cầu toàn trong môn học, luôn muốn học sinh tiếp thu trọn vẹn những gì mình dạy nên những giờ tôi và Thu Vàng nhận giấy gọi tập văn nghệ, y như là nhận luôn ánh nhìn sắc lạnh thiếu thiện cảm của thầy. Để rồi một buổi sáng, sự nghiêm khắc ấy vô tình làm tổn thương lòng tự trọng của cô học trò thơ dại, suýt bỏ trường bỏ lớp về làm cô bán hàng tạp hóa ở xóm Ga.
     Chuyện xảy từ năm nào mà giờ tôi vẫn còn nhớ như in, buổi sáng ấy khi sắp đến giờ Anh Văn, lục tìm bài tập về nhà đâu chẳng thấy. Chiều hôm trước tôi đã chăm chú làm cho xong để kịp giờ xem ti vi phát vở kịch “ Dưới hai màu áo” của cô Kim Cương, xúc động trước tình tiết éo le bi đát, tôi khóc và thao thức cả đêm nên sáng dậy lật đật thế nào bỏ quên vở ở nhà. Vội vàng tôi ra đón thầy trước cửa lớp xin phép về lấy, thầy nghe xong ôn tồn khoát tay bảo: "Được rồi, em vào lớp đi”. Nhưng sự tình oái ăm thay, kiểm tra có vài ba bạn không làm bài, thầy giận quá đuổi tất cả ra khỏi lớp, không hề nhớ trường hợp cá biệt của tôi. Tức tưởi đứng trước hành lang, thầy Hồ Ngọc Thanh đi qua hỏi: ‘Sao Quang Tuyết đứng đây?” Ôi chao là xấu hỗ, tôi gầm mặt xuống chẳng biết trả lời sao, vừa quê, vừa giận. Lúc nghe tiếng Thầy nói rất to trong lớp:” Những học sinh không làm bài tập về nhà, các cậu thì quân trường đang rộng cửa, còn các cô thì sở Mỹ đang chờ đón các cô…”
     Tai tôi ù lên, không bình tỉnh được nữa, vội đến bên cửa ra dấu M. Diệu chuyền cặp sách ra bye bye các bạn bỏ về, bỏ luôn cả những giờ Anh Văn sau đó.Thầy xem sổ đầu bài thấy tên tôi chỉ vắng giờ thầy dạy nên nhắn nhủ: "Nói với trò Quang Tuyết không học giờ Anh Văn thì hãy nghỉ luôn đừng đến trường nữa” Thế là nổi tự ái vô cùng tiểu thư khiến tôi mất luôn phương hướng bỏ trường, xa lớp về khóc lóc mè nheo ba phải rút hồ sơ học bạ đi học trường khác. Đã lỡ học kỳ nên chẳng trường nào nhận, thôi thì nghỉ ở nhà nằm chèo queo, càng nhớ bạn bè, càng giận thầy. Suốt mấy tháng trời như thế, phụ bán hàng với mạ mà lòng thì cứ thẫn thờ. Một buổi trưa thầy Hoàng Thế Hiệp lên nhà gọi tôi ra phân tích và nhắn nhủ lại lời khuyên của thầy Cư rồi hỏi :” Em có muốn đi học trở lại không? (Sao lại không nhỉ?) Thầy Cư và thầy sẽ đứng ra trước Hội Đồng Giáo Sư xin bảo lãnh cho em được vào học lạị…” Mọi việc sau đó đã được giải quyết tốt đẹp, tôi trở về với sách vở với một niềm hân hoan khó tả. Cũng từ đó thầy lưu tâm đến cô học trò ngang ngạnh hơn và cố giúp tôi theo kịp chương trình cùng các bạn, nhưng tiếc thay khi thầy trò cảm thông được nhau, khi tôi cố gắng đêm ngày ôn luyện để thể hiện quyết tâm mình thì chiến sự 1972 bùng nổ, Quảng Trị cùng ngôi trường xưa tan nát, tôi cùng GĐ vào Đà Nẵng, tâm trạng hụt hẫng nên bỏ bê sách vở sau kỳ thi Bán Phần. Thời gian trôi đi, nghe tin năm đó thầy qua Mỹ và định cư luôn. Cho đến một ngày quả đất xoay tròn sao thật hay, thầy trò hội ngộ ở quán Rất Huế của Nguyễn Đặng Mừng, Thầy vẫn trẻ, khỏe nhưng không còn nghiêm khắc như trước, nụ cười luôn tươi tắn cởi mở trên môi, còn đọc thơ cho chúng tôi nghe, cùng chúng tôi hát hò tâm sự rất gần gũi. Chuyện ngày ấy bây giờ nhắc lại là một kỷ niệm khó phai, thầy bảo đó là sự vấp ngã vì lòng hiếu thắng tuổi trẻ của cả thầy lẫn trò, nhưng trong suy nghĩ riêng tư tôi biết mình nông nổi nên cạn nghĩ…
     Thời gian qua đi, chưa kịp về thăm lại quê hương như lời hứa cùng học trò cũ thì thầy hở van tim phải vào bệnh viện, chúng tôi bên nầy lo lắng theo dõi tình trạng sức khỏe thầy qua email, cầu mong thầy qua khỏi và chóng bình phục. Trái tim mạnh mẽ ấy đã hồi sinh và đập những nhịp yêu đời hơn. Hình ảnh thầy đứng dưới hàng cây Phượng Tím xứ người, trông thật cô đơn nhưng vẫn toát lên vẽ cứng cõi lạ thường. Thi thoảng hộp thư mail của "old NH lại có bài dịch những câu chuyện có tính chất nhân văn, hay những bài thơ ca nỗi tiếng như nhắn nhũ nỗi niềm người xa xứ. Qua email, chúng tôi biết trái tim ấy chưa hề khuất phục hoàn cảnh, chưa mõi mệt vì thời gian, trái tim ấy vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo và chuyển lưu những dòng máu đỏ cho sư tồn sinh, và luôn hướng về quê hương thân yêu. Chắc chắn rằng trong trái tim ấy có đóa hoa hồng ngày về, có lũ học trò ngu ngơ chúng tôi của một thời Nguyễn Hoàng Quảng Trị. Một khoảng ký ức không bao giờ quên…không chỉ riêng ai.




ĐINH QUANG TUYẾT



Đinh Quang Tuyết




ĐỌC TIẾP

NGÀN THU ÁO TÍM
Lửa Nguyễn Hoàng vẫn cháy

Không có nhận xét nào:

Người theo dõi