Thứ Tư, 2 tháng 12, 2009

NGÀN THU ÁO TÍM, Đinh Quang Tuyết

Ngàn thu áo tím





Ngày xưa xa xôi em rất yêu màu tím


Ngày xưa vô tư em sống trong trìu mến


Chiều xuống áo tím thường thiết tha


Bước trên đường gấm hoa, ngắm mây chiều thướt tha…






Mỗi lần nghe bài hát nầy, tôi lại liên tưởng đến một người con gái xứ Huế, rất đổi dịu dàng với mái tóc dài ngang lưng, yêu màu tím nhưng chẳng kém nghiêm trang khi đứng trên bục giảng. Trông như đóa hoa sim mộc mạc giữa rừng hoa lá hoang dại. Đó là cô Võ thị Hồng, giáo sư phụ trách môn văn, cũng là giáo sư cố vấn lớp 10C của chúng tôi ngày xưa .


Cô ơi! Từ hình ảnh của cô mà chúng em đã bí mật thành hình nhóm thơ Áo Tím gồm Khương, T.Vân (Mây xanh) M.Diệu và Quang Tuyết (Tử Y Vân), nhưng chỉ xây dựng trên danh nghĩa thế thôi, còn thơ thì mới thẩn chưa dám công khai một bài nào ngoài nhóm, chỉ có bốn tà áo dài sim chín xuất hiện điệu đàng trên phố mỗi chiều chủ nhật .


Thời gian đầu năm lớp 10, em cực ghét môn Văn, vì thích và quen văn tả cảnh đầy màu sắc bay bổng tưởng tượng, giờ chuyển sang văn nghị luận luân lý, rồi còn phản đề, nghịch đề… Nhưng em dần bị chinh phục từ cách dạy đầy cuốn hút cùng giọng giảng êm dịu của cô nên lại yêu thích môn văn như trước. Thích nhất là giờ thuyết trình, lớp được chia thành từng nhóm theo sơ đồ chỗ ngồi, làm những bài thuyết trình và học trò luân phiên trở thành những thuyết trình viên, công tố viên hay luật sư bào chữa cho những số phận nghiệt ngã trong tác phẩm văn học của nhóm Tự Lực Văn Đoàn: Đoạn Tuyệt, Nửa Chừng Xuân, Gánh Hàng Hoa…..


Những lúc ấy không khí lớp thật sôi nổi, và ai cũng lâng lâng với cảm giác tự hào như vừa đấu tranh thành công cho người yếu thế, hàm oan, như vừa hoàn thành một nghĩa vụ rất cao cả: góp phần thay đổi những lề lối cổ hủ của xã hội.


Thuở ấy em không dám gần gũi cô như một số bạn trong lớp, vì cứ mang cảm giác là cầu thân, là nịnh bợ, mãi sau nầy gặp lại, khi tóc cả cô lẫn trò đã pha màu sương tuyết, và hàng rào Tôn Sư có lẽ nhẹ nhàng đi, tình cảm cô trò mới tự nhiên thân mật. Cô trong lòng em không còn là cô giáo nghiêm trang xa cách với những kiến thức giáo khoa, mà hiện thân như một người mẹ, người chị cả bao dung, dịu dàng, luôn quan tâm hỏi han dù chúng em đã thành những ông, bà chủ gia đình. Căn nhà yên tĩnh ở hẻm Huỳnh Đình Hai cho chúng em có những giây phút ấm nồng vô cùng quý giá, bỏ lại sau lưng những lọc lừa thế tục, khói bụi ồn ào của thời hiện đại.


Không vui sướng nào bằng thỉnh thoảng được cô đích thân vào bếp thết đãi các cô cậu học trò cũ những món ăn Huế rất ngon. Bích Hường ở Đà Nẵng phải ấm ức ghê gớm khi nhận được những cú điện thọai í ới từ bạn bè kể về món ăn đang bốc khói ngay tại nhà cô dù bạn ấy đã từng nhiều lần được cô “săn sóc” lúc gia đình cô chưa chuyển vào Sài Gòn (các bạn thấy B.Hường ích kỷ ghê chưa? Chỉ muốn dành cô cho riêng mình thôi). Nhớ nhất là món ruốc sả ăn với cơm nóng, chao ôi là tuyệt vời. Trị có vẻ khoái khẩu nhất ăn liên tù tì, cô còn vui vẻ khuyến khích ghé nhà cô ngày một để ăn kia đấy. Còn tôi thì ra chợ mua về tự làm, mấy đứa con trong nhà tấm tắc khen nhưng không hiểu sao em ăn vẫn thấy không ngon bằng mùi vị ruốc sả do chính cô làm đó cô ơi! Sau nầy thấy cô không được khỏe nên cả nhóm bảo nhỏ nhau đừng” Mè nheo” cô nữa, để cô nghỉ ngơi, nhưng hương vị của những món ăn ấy đứa nào cũng nhớ.


Không phải đứng trên bục giảng mới là cô giáo. Cô vẫn đang tiếp tục dạy chúng em bài học đạo đức từ cách sống thường ngày một cách dung dị, tự nhiên


Đó là chữ Hiếu Đạo: Cô chăm sóc hai người mẹ già rất chu đáo dù sức khỏe của mình đang có vấn đề, lúc nào em cũng thấy cô nhẹ nhàng, vui vẻ trước những tính khí thất thường, biểu hiện tâm lý của người già. Đến ngày mẹ ruột cô ra đi, em thấy cô buồn và xanh xao hẳn, lòng lo lắng sợ cô suy sụp, nhưng dường như chữ Hiếu cho cô thêm sức mạnh để tiếp tục hoàn thành trách nhiệm người dâu hiền: Bà Nội đang cần bàn tay chăm sóc của cô...


Đó là chữ Nghĩa tình: Thầy và cô cho em cảm nhận được ý nghĩa của hai từ Tri âm, Tri Kỷ .


Một gia đình Hạnh Phúc chắc chắn phải có bàn tay vén khéo của một người vợ hiền lành đảm đang. Quà thầy cô tặng chúng em là những món quà vô cùng giá trị về tinh thần: bức Thư Pháp do chính thầy viết, cô dán lên khung. Mỗi câu, mỗi chữ nhắc nhở chúng em luôn sống bằng Tâm Thiện, đó là cách dạy gián tiếp của một người thầy tâm huyết ở mọi góc cạnh hoàn cảnh cuộc đời.


Thời gian có dài bao lâu, tuổi đời có già bao nhiêu em vẫn mong cô thật khỏe bên cạnh chúng em, những “old Nguyễn Hoàng” bây giờ mãi mãi là những cô cậu học sinh 10C của cô giáo Võ Thị Hồng.Tiếng cười trong sáng khi quây quần bên cô đem lại chúng em cả một trời kỷ niệm về tuổi thơ đã qua đi và trong ký ức mỗi người cô vẫn như xưa, dịu dàng trong tà áo tím đang say sưa giảng bài trên bục giảng. Cô ơi! Mãi mãi cô là đóa hoa sim mộc mạc trong lòng em.






Đinh Quang Tuyết

Không có nhận xét nào:

Người theo dõi