Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

VỀ QUÊ - LÊ VĂN TIẾN



Nghe tin Mẹ đau, tôi vội vàng sắp xếp công việc ở Mỹ và ra dịch vụ mua vé máy bay cấp tốc về Việt Nam. Chuyến đi dự định trong hai tuần vì công việc không  cho phép. Thật may mắn, khi tôi về đến nhà bịnh tình của mẹ đã thuyên giảm, sức khỏe hồi phục. Sau vài ngày được chăm sóc đặc biệt của bác sĩ  Mẹ tôi khỏe hẳn ra nên tôi có mấy ngày còn lại để đi thăm bạn bè trên đường vào Saigon để bay qua Mỹ.

Vào Đà nẵng tôi gọi bạn Nguyễn Khắc Phước, rất may mắn bạn ấy trả lời điện thoại liền và chúng tôi gặp nhau trong cảm giác thật xúc động vì quá lâu ngày mới gặp lại nhau. Khí hậu Đà Nẵng có vẻ dễ chịu hơn ở Quảng trị, vì có gió biển Mỹ khê thổi vào.
 Hồ Sĩ Bình, Nguyễn Khắc Phước, Lê Văn Tiến

Buổi sáng ngồi ở quán cafe tôi và Phước đã tâm sự rất nhiều. Phước nói với tôi về những kỉ niệm khi còn học ở Nguyễn Hoàng. Bạn ấy nhắc lại, “tính cậu ít nói và thường ngồi bàn trước gần cửa sổ”. Tôi cũng nhớ như vậy. Tôi nói với Phước tuổi thơ tôi không được may mắn như các bạn. Nhà nghèo, ba mẹ tôi đông con nên việc đi học của tôi rất vất vả. Khi học trung học, tôi đã phải đi dạy kèm kiếm tiền để mua sách vở phụ giúp cha mẹ phần nào. Vào đại học văn khoa cũng vậy.



Bạn Phước cũng kể lại cuộc sống thiếu tình thương của Phước vì cha mẹ mất sớm nên Phước phải tự lo cuộc sống. Phước là người có ý chí và kiên nhẫn nên bạn đã thành công trong cuộc sống.

Tôi và Phước đến gặp Hồ Sĩ Bình. Gặp lại nhau cả ba chúng tôi rất vui mừng vì hơn 40 năm từ khi rời ghế nhà trường để mỗi người theo mỗi ngành ở đại học. Phước không khác lắm, vẫn tính tình hiền hòa và chân thật như lúc chúng tôi còn học với nhau ở Nguyễn Hoàng. Hồ Sĩ Bình thì vẫn nét dí dỏm và khôi hài như ngày xưa. Bình có lối nói chuyện duyên dáng và pha trò, đúng là phong thái của một nhà văn nhà báo. Bình cũng như tôi, còn phải đi làm vì còn nhiều gánh nặng trong cuộc sống. Phước đã về hưu nên rất an nhàn. Tôi hẹn với Phước và Bình khi tôi về hưu chúng tôi sẽ về Quảng Trị, miền quê cuả chúng tôi, để hưởng được những thú vui đồng nội, tìm lại những kỷ niệm thời thơ ấu.

Sau khi thăm hỏi về sức khoẻ và cuộc sống gia đình của từng bạn, chúng tôi đi ăn cơm trưa tại nhà hàng Việt Nam và chụp chung vài tấm hình kỷ niệm. Tôi không ngờ đến tuổi 60  rồi mà chúng tôi cứ như lúc còn học ở Nguyễn Hoàng. Ôi quá khứ thời học sinh thật đẹp, làm sao tôi quên được. Ước gì chúng tôi được trở lại thời xa xưa  đó. Cả ba chúng tôi chia tay nhau trong lưu luyến và hẹn ngày gặp lại.

Vừa vào Sài Gòn, tôi gọi Phạm Đình Quát, trưởng lớp đệ Tam C ngày xưa. Nửa giờ sau, Quát cùng với Bùi Phước Vĩnh (một bạn cùng khối NH 64-71, hiện ở gần nhà Quát tại Tân Bình) đến gặp tôi ở khách sạn Cựu Kim Sơn. Chúng tôi tâm sự thật lâu về chuyện bạn bè, chuyện cuộc sống... Tôi rất mừng vì sự nhiệt tình của Quát. Quát đề nghị tôi dành thời giờ đến thăm cô Võ Thị Hồng và gặp vài người bạn cùng lớp sống gần Saigon. Tôi đồng ý ngay vì đó là dự tính của tôi khi vào Saigon. Khí hậu Saigon tuy nóng và oi bức nhưng trong lòng chúng tôi thấy ấm áp vì vừa gặp lại nhau sau 40 năm xa cách.


Lê Văn Tiến và các bạn Oanh, Quát, Bỉnh thăm Cô Hồng và phu quân


Ba ngày sau, tôi cùng Quát, Trương Ngọc Bỉnh và Kim Oanh đến thăm cô Hồng, cô giáo Việt văn và là giáo sư cố vấn cuả lớp đệ Tam C cuả chúng tôi. Tôi rất hồi hộp vì có cảm giác sẽ gặp lại cô giáo thân thương của mình ngày xưa. Tự nhiên tôi thấy mình nhỏ bé lại như một cậu học sinh 16 tuổi lúng túng chi lạ. Cô Hồng là thần tượng cuả chúng tôi khi còn học Tam C. Tôi rất kính mến cô Hồng. Chúng tôi thường gọi cô là ‘Chị Hồng’, vì thật ra cô mới ra trường nên còn rất trẻ và nhất là tính tình cô rất giản dị và thương yêu học sinh như thương những đứa em ruột của mình.



Vừa bước vào nhà, tôi hỏi cô “Chị biết em là đứa mô không?”. Cô Hồng có phần ngạc nhiên, nhưng có thể đoán ra cậu học trò nào đây. Giây phút thật cảm động, thầy trò gặp nhau sau mấy chục năm xa cách.  Quát ‘đạo diễn’ rất tốt. Anh chàng bày biện khung cảnh và chụp hình lưu niệm mọi người.

Chúng tôi được thưởng thức những ly cà phê thơm nồng do chính tay cô pha chế. Phu quân cuả cô Hồng cũng rất hiền từ và giản dị, rất hoà đồng và nói chuyện vui cười với chúng tôi. Kim Oanh hiền và dễ thương, không còn quá ít nói và khép kín như ngày xưa. Nàng luôn luôn vui vẻ và hoạt bát. Trương Ngọc Bỉnh thì ‘hết sẩy’. Dù ở xa (cách Saigon hơn 200km) nhưng Bỉnh đã không ngại khó khăn đi về Saigon để gặp nhau. Tôi và Quát hẹn gặp Bỉnh trước chợ Bà Chiểu - nơi Quát đã đặt giúp tôi một lẵng hoa - và cả ba bạn vừa đi vừa trò chuyện râm ran trên đường đến nhà cô Hồng.

Rất tiếc Nguyễn Ngọc Phụ, Bùi Truyền và Ngô Hai... vì bận công việc nên không đến được. Chúng tôi tâm sự rất nhiều, cô Hồng cũng kể lại chuyện các bạn Tam C đã đến thăm nhà cô, chuyện Thể Tần có ý tưởng lập danh sách lớp Tam C 68-69 và làm blog để cung cấp thông tin liên lạc, kết nối các bạn với nhau.

Chúng tôi chia tay cô Hồng trong cảm giác lưu luyến và bùi ngùi. Những đứa học trò của cô không còn trẻ nữa, tất cả đã qua ngưỡng tuổi 60 nhưng khi gặp lại cô vẫn cảm thấy mình rất bé nhỏ như ngày nào còn học với cô Võ Thị Hồng dưới mái trường Nguyễn Hoàng. Cầu chúc thầy cô luôn dồi dào sức khoẻ để có những cuộc hội ngộ đầy xúc động như hôm nay.

Sau chuyến về thăm quê, thăm Mẹ và thăm bạn bè, tôi cảm thấy hạnh phúc vì đã có được một chuyến đi rất nhiều ý nghiã. Tôi còn rất nhiều thầy cô và bạn bè khác thân thương ở Việt Nam nhưng chưa có cơ hội gặp gỡ, thăm viếng được. Tận đáy lòng, tôi rất mong quý thầy cô và các bạn thông cảm vì cuộc sống. Hy vọng một ngày nào đó tôi được gặp lại tất cả mọi người. Chúc tất cả bình an và hạnh phúc trong cuộc sống.

Lê Văn Tiến

San Jose tháng 5/2013

2 nhận xét:

Tư Miền Biển nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Tư Miền Biển nói...

Nên ghi nguồn trích dẫn bài viết chứ bạn Hai Lúa!!

Người theo dõi