Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Ba ngày về quê dự đại hội trường Nguyễn Hoàng

Ngày 1
Trưa ngày 22/6 tôi gọi xe Hoàng Hải ra Quảng Trị để tham gia trang hoàng với anh em Nguyễn Hoàng. Gọi số xe nhỏ mà cậu ét đã cho tôi trên chuyến đi trước nhưng máy báo số không đúng, tôi gọi cháu gái tôi đang học ở Hòa Khánh vì nghe nói nó cũng thường đi xe đó. Nó cho tôi một số khác, tôi gọi và xe hẹn 11h15. Đúng 11h15 tôi tới bến thì có xe Hoàng Hải nhưng là xe lớn, mà xe này trước đây phải chạy qua đường tránh Huế thì rất ngán. Tài và ét xe này trông có vẻ là dân anh chị, mặt mày hình sự quá. Tôi hỏi có qua đường tránh không, được trả lời là không. Xe đã đầy nhưng tôi đành phải đi vì phải ra cho sớm. Số người về quê ăn Mùng 5 quá đông đến nỗi nó nhét 2 chỗ thành 3. Một dảy ngang trước đây 4 nghế, nay thêm 1 ghế nhựa ở giữa, nhét vào thành 7 người. Tôi bị ép ngồi vào 2 ghế đã có 3 mẹ con, tôi lấn bà mẹ và ngồi ké ghế chừng 5 phân được dăm phút thì hai đứa nhỏ kêu chật quá, tôi đành phải đứng từ Đà Nẵng đến Quảng Trị. Chiếc xe có 30 chỗ nhưng chở gần 60 người nên tài xế phải rẻ xuống phía đông chạy qua Phú Vang để tránh cảnh sát. Con đường mới rất rộng có dải phân cách ở giữa chạy băng đồng khoảng chừng 10 km, đến Dưỡng Mong thì hết đường lớn, bắt đầu rẻ phải vào đường làng để lên quốc lộ. Ngay chỗ rẻ phải, chiếc xe tôi đi bị một một chiếc xe tải Suzuki loại nhỏ của bưu điện tông vào, kính cửa xe khách bị vở và rã vụn xuống. Hai bên cãi cọ  mãi. May có quán bánh canh gần đó nên nhiều hành khách giải quyết được cơn đói. Có thì giờ nhìn hành khách trên xe thì thấy tôi là người già duy nhất. Hầu hết đều là sinh viên nghỉ hè về quê, trong đó có cháu gái của tôi đang ngồi ghế cuối. Một lần về quê trước, tôi cũng đã để ý và thấy tôi là người già nhất trên xe rồi. Người già bây giờ ít đi lại bằng xe đò. Có lẻ nhiều người đã lên xe con còn tôi vẫn bám chiếc xe máy đã hơn chục năm nên không dám đi đèo. Xã hội đi lên mà mình lại tụt xuống và trở thành người nghèo lúc nào không hay, may mà còn lơ lững chứ chưa đói. Bên xe bưu điện nói đợi công ty xuống giải quyết nhưng đợi hết một tiếng vẫn không thấy ai đến nên xe khách đành bỏ đi. Kính người ta vỡ thì các mãnh dính với nhau nhưng kính xe này vở thì nát vụn, chứng tỏ không phải là kính tốt. Nói vậy chớ tôi không rành về khoản này. Trên con đường hai chiều băng đồng Phú Vang, xe chạy với tốc độ thật cao, mà người dân quê đi lại chẳng theo luật lệ gì, cứ đi ngược chiều hoặc băng qua đường tự nhiên như đi trên sân nhà mình. May mà không có tai nạn gì. Có lẻ tôi sẽ không bao giờ đi QT bằng xe Hoàng Hải “chất lượng cao” này nữa.
Vậy là tiêu hết buổi chiều, muốn về sớm mà thành muộn.
Đến Hải Sơn quê tôi thì đã gần 4 giờ. Có thầy giáo Minh trường THPT Nam Hải Lăng lên đón cháu tôi (thầy ăn cơm tháng ở nhà ba mẹ nó) nên tôi nhờ thầy chở đến quán cháo bột, thầy bỏ tôi ở đó rồi đi chở cháu, hẹn quay lại. Tôi gọi 2 tô trả tiền liền vì sợ thầy đến dành trả thì rầy rà, thế nhưng thầy không đến, may mà có cháu tôi đến mua cháo cho ba nó nên bắt ăn.  Ăn xong về nhà thì đã gần 4 giờ chiều, thằng cháu tôi mang xe máy ra đồng nhổ đậu phụng nên tôi đành phải gọi Hiếu xin lỗi không ra được vì không có xe. Lúc chạng vạng, tôi gọi thằng cháu khác nhờ nó chở xuồng thăm anh Lê Đăng Mành, một nhà thơ kiêm nhà thư pháp ở Văn Quỹ. Hai anh em nhận ra nhau liền vì đã từng thấy nhau trên mạng. Hai anh em bút đàm một chặp thì phải chia tay để anh Mành ăn cơm tối vì đã hơi trể, và tôi cũng phải về vì đường quê chẳng đèn đuốc gì.
Về quê vào dịp này rất may là trời khá mát. Đêm trải ghế bố  ra sân nằm ngay chỗ mình từng nằm trước đây 50 năm và  nhận ra bầu trời dường như không có gì thay đổi.  Những chòm sao vẫn ở chỗ ấy, vẫn tinh nghịch nháy mắt chuyện trò với nhau như những nam thanh nữ tú tuổi 16, nghĩa là chúng vẫn trẻ mãi không già, còn mình thì tuổi thơ chóng vánh đi qua trong chiến tranh, tuổi thanh niên cũng tiêu ma trong nỗi sợ đói, sợ mất việc, lo vợ con, lo kiếm nhà, đến tuổi già lo bệnh. Sáu mươi năm qua một cái vèo. Thư sinh họ Lữ tỉnh dậy bàng hoàng thấy mình đã nằm mơ và trải qua cả cuộc đời khi nồi kê trên bếp vẫn chưa chín. Trong bài hát nói Vịnh Nhân Sinh Quan, Nguyễn Công Trứ đã dẫn điển tích ấy:
" . . . Ôi nhân sinh là thế ấy,
Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao.
Ba mươi năm hưởng thụ biết chừng nào ?
Vừa tỉnh giấc nồi kê chưa chín . . . "
Dù sao, chàng thư sinh họ Lữ cũng được làm quan, dù là trong mơ, còn mình, một kẻ vô tài bất tướng, cả cuộc đời chẳng làm nên trò trống gì.


Ngày 2
Sáng sớm ngày 23/6 tôi mượn xe thằng cháu ra thị xã sớm vì đã hứa cà phê với bạn Thái Đào nhưng vừa chuẩn bị xong thì bạn Kháng tới nhà rủ đi cà phê, tôi đành phải thất hứa với Đào.

Lên quán ở quốc lộ ngồi với Kháng và anh Khảm từ Mỹ Xuyên qua một chốc rồi đi. Rất may thời tiết không quá gay gắt. Gió lào buổi sáng mát rượi. Tôi vào trường THPT thị xã được bạn Thiên Tùng chào niềm nở. Hỏi vị trí đặt bảng triển lảm của Nguyễn Hoàng Đà Nẵng thì  Tùng chỉ cái cửa sổ có che màn. Hỏi tấm ván ép 1,2 x 2,4 m ở đâu thì Tùng nói đoàn nào tự lo liệu đoàn đó. Vậy là mấy anh Quảng Trị này cà lăm, nói một đường làm một nẻo.  Tùng chỉ cái khung của NH 64-71 và nói cứ làm y như vậy. Tôi cầm tấm phông rất may đã in ở Đà Nẵng và nhờ Tùng chở đi tìm các quán thợ nhôm làm biển quảng cáo. Hôm nay gặp ngày Mùng Năm Đoan Ngọ nên hầu hết các quán đều đóng cửa để về quê. Tìm đến quán thứ năm, thấy cửa còn mở, hai anh em vào nhưng không có thợ, chỉ có lão chủ nhà già hơn tôi nhiều nói sắp đóng cửa về quê và từ lâu đã không làm việc này, chi giao cho thợ thôi. Năn nỉ một hồi lão mới chịu. Tùng bỏ tôi lại quán để giúp lão chủ, còn anh về trường tiếp tục làm việc. Lão già vừa cưa  nhôm vừa nói ngày xưa lão cũng là học sinh Nguyễn Hoàng nhưng chưa bao giờ tham dự hội họp gì hết. Lão nói nhiều người ở đây không có tiền để tham dự. Tôi nói cũng bằng đi đám cưới thôi chớ nhiều gì. Lão nói đi đám cưới là có qua có lại còn đây chỉ một chiều. Một trăm ngàn với họ cũng nhiều lắm, đi mất công, góp mất của, rồi lấy chi con ăn. Ăn bửa giỗ, lỗ bửa cày. Mà ăn giỗ thì chẳng đóng góp gì còn đây phải đóng tiền, mà nếu không thì người ta không cho vào. Lão muốn vào để tìm gặp bạn quen sau đó về nhà ăn nhưng không vào được. Lão nói thay vì bỏ mấy chục triệu để mua xe đạp cho học sinh thì dùng để đãi anh em cựu học sinh không được sao. Cựu học sinh với nhau thì không cho, đem cho bọn trẻ mà nó không biết trường Nguyễn Hoàng là trường nào thì có uổng không. Các ông phê bình người ta chạy theo thành tích nhưng các ông cũng vung tiền ra để tự đánh bóng tên tuổi của mình. Người giàu có thì được trọng vọng còn người nghèo như anh em tui  ở đây thậm chí không có lấy trăm ngàn để vào dự thì họ nghĩ sao. Các ông Nguyễn Hoàng ở đâu đâu về cho, còn bọn tui  ở đây cũng Nguyễn Hoàng nhưng không có gì cho cả. Bọn tui cũng khó chịu chớ.  
Tôi giải thích với lão là làm từ thiện là việc của cá nhân, họ có quyền dùng tiền của họ vào việc họ muốn, đừng để ý làm gì, giống  như đi chùa, muốn cúng bao nhiều tùy mình, không cúng cũng được và không để ý người khác cúng dường bao nhiêu. Nếu ai cũng như lão thì tiền đâu mà xây chùa bạc tỉ, có chỗ nghiêm trang cho lão lễ phật. Các em được thưởng xe đạp là do  trường ở đây đề nghị, chắc chắn phải là con nhà nghèo, không có xe đạp. Hơn nữa, nếu những người đó làm từ thiện với tư cách cá nhân, tự tìm học sinh nghèo mà trao quà trong một buổi lễ riêng thì thử hỏi lão có ý kiến gì được. Thay vì người ta tự làm từ thiện riêng mà lại làm với tư cách là cựu thầy cô giáo và học sinh Nguyễn Hoàng thì mình cũng hãnh diện lắm chớ.
Vừa nói chuyện với ông già, tôi vừa kéo căng tấm bạt để lão bắt ốc, vừa học được nghề làm bạt quảng cáo bằng khung nhôm vì công việc tương đối đơn giản. Làm xong tôi gọi Tùng đến chở. Tấm bạt nhẹ hều, chỉ chừng trên 1 ký nhưng thiệt là khó mang đi vì nó cản gió. Tùng chạy thật chậm nhưng vì gió lào từng cơn thổi cà giựt, hất tung tấm bạt làm  tôi sém té mấy lần. Phải mất gần 30 phút mới đưa tấm bạt từ quán về  thư viện. Tùng biểu lấy màn che cửa số lại cho bớt sáng nhưng tôi lấy hai cái thùng giấy, mà Tùng nói do thầy Thăng mang từ Mỹ về, ra phía sau lưng thư viện mở cửa sổ luồn vào nên cửa kín mít. Mấy anh chị trong đoàn HCM nói anh này lanh thiệt.

Cám ơn Tùng nhiều. May mà có Tùng, đời còn dễ thương đó Tùng ơi!
Kháng và Khảm đang nhậu ở Cồn Tàu gọi tôi nhưng tôi phải vào lại nhà ở làng Lương Điền vì anh tôi đã dặn đi đâu cũng phải về ăn cúng. Tôi xem đồng hồ xe máy thấy quảng đường từ thị xã đến làng tôi chỉ 18 km. Cũng gần chớ chẳng xa xôi gì. Xe ô tô cũng không nhiều. Chị Ba gọi chiều 2 giờ tập trung để trang trí , sau đó đi thăm mộ Thìn - một người bạn của nhóm. Một rưởi tôi ra dắt xe thì thấy xe xẹp lốp. Thằng cháu nói để nó mang đi vá. Nó đi gần cả giờ  mới chạy xe về, nói quán sửa xe máy nào cũng đóng cửa để ăn Mùng Năm, nó phải cạy cửa một quán quen, tìm đồ nghề và tự  vá.
Ra đến trường thì các chị vừa từ Đà Nẵng ra trưa nay đã gần hoàn thành việc gắn ảnh vào tấm phông. Rồi họ rủ nhau đi đâu không rõ. Sau này tôi  mới nhớ lại là họ đi thăm mộ Thìn nhưng không rủ tôi đi. Tôi không có ý định đi mà chờ đoàn HCM trang trí xong rồi mượn cái bàn mà họ đang dùng để kê tấm phông lên như các đoàn khác. (Khi các chị trang trí xong, phông còn kê trên hai cái ghế do anh Hạt đoàn HCM mang tới).
Khi ra khỏi trường để theo mấy anh em nhóm 64-71 ra bờ sông uống cà phê, tôi thấy lốp xe máy đã bắt đầu xẹp. Tôi chạy quanh phố tìm chỗ bơm nhưng tất cả quán xe máy đều đóng cửa. Tôi đành chạy vào làng với  bánh xe đang xẹp từ từ. Trên đường đi suốt 18 km vẫn không tìm thấy quán sửa xe máy nào mở cửa. Xe chạy cà xịch cà xịch vì lốp đã hết hơi, đến ngay cổng làng thì  đành phải xuống. Thật là may, nếu tôi phải dắt bộ trên đường quốc lộ thì quả là một cực hình. Kết quả là một ngón chân bị bong móng dù chỉ dắt bộ trên đường làng chừng 300 mét.  Tôi nói ông bà nhắc nhở thôi chớ chưa phạt nặng vì hôm qua tôi có đi thắp hương trên mộ nhưng có lẻ hơi thất lễ sao đó.

Rút kinh nghiệm là không nên đi xe máy vào ngày Mùng Năm Đoan Ngọ ở miền quê.

Thật ngạc nhiên vì bà chị dâu nói tưởng chú ra tết nhà gái (vợ chưa cưới của con tôi).
Tôi nói ở Đà Nẵng làm gì có tục lệ đó. Nếu có thì bà mẹ vợ tôi đã nhắc rồi. Chị dâu tôi nói ở đây nhà trai phải đi ít nhất là 2 con vịt và 10 ký nếp. Nhà gái họ sẽ biếu lại 1 con vịt và 5 ký nếp. Tôi nói vậy đi 1 con vịt và 5 ký nếp không được sao, bày vẻ mang tới mang lui chi cho rầy rà. Chị nói làng răng xã năng rứa, tục lệ rứa thì theo rứa chớ mình làm khác mô được.

Thật tiếc là mình không biết, đành chịu thất lễ vậy. Người ta nói đất có lề, quê có thói hoặc nhập gia tùy tục là vậy.
NGUYỄN KHẮC PHƯỚC
Nguyễn Hiếu đăng 


 NỮ SINH NH6471: THÚY, THẠCH,X, DƯƠNG

 QUỸ KHUYẾN HỌC
 NGỒI CẠNH VĨNH LÀ NH6471 THÁI TĂNG LẠC
 CƯỜNG, HỮU
 CHÓT, HƯỚNG,AN, THÃN, DŨNG
 CƯỜNG, HỮU,TOÁN
 CHÁU, KIỂNG, CƯỜNG, HỮU
 MINH, DŨN, ĐÔNG, CƯ


 TRƯỚC:CƯỜNG,HỮU, TOÁN, PHÚC, MINH


 THÚY, MỸ
 HAI BẠN 12B1: CƯ VÀ AN

 BẢY BẠN 2B1:CƯ, AN, QUÝ, ĐÔNG(TRƯỚC) THÃN, HƯỚNG, CHÓT (SAU)
 PHÚC (CUNG), THẾ, HÀO




 DỰ TIỆC

 THỊNH CƯỜNG, KHÔI, KỲ, SINH
 DẨN, THỊNH, CƯỜNG, VĨNH, DÂN
 KHÔI, DÂN, ÚT, SINH






 NHỮNG BẠN KHÔNG DỰ TIỆC ĐƯỢC ĐÀNH VÀO THỦY HOA VIÊN


HÌNH: NGUYỄN HIẾU



Không có nhận xét nào:

Người theo dõi