Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2010

QUANG TUYẾT, Người anh xóm Ga


Tôi nghĩ về anh : không mang bóng dáng một doanh nhân thành đạt, với một chức vụ quyền oai, hay thương gia giàu có. Tôi nói về anh, không từ hình tượng một gã đàn ông phong lưu bay bướm của giới thượng lưu. Tôi muốn xây dựng trong suy nghĩ mình, và giới thiệu cùng tất cả mọi người : một anh “Húi Cua” chân chất, hiền lành hàng xóm ngày xưa của tôi, của một thời cùng trường, chung lối.


Nhà tôi cách nhà anh một con hẻm nhỏ và hàng rào dây kẽm chằng chịt, không phải là giậu mồng tơi của Nguyễn Bính nên chẳng có chú bướm trắng nào lang thang qua thăm. Sát bờ rào là cây sầu đâu cành thấp xịt, đến mùa ra hoa thơm ngát một vùng, màu trắng phơn phớt tím trông xa xa như hoa tuyết mùa đông rơi phủ thật thanh khiết (tưởng tượng của tôi lúc ấy đấy). Bông hoa sầu đâu ấy, tôi từng hái bó thành chùm bày hàng buôn bán sát bên tường nhà anh, trò chơi của lũ con gái trong xóm.

"Húi Cua" là con trai nên chẳng bao giờ tham gia trò chơi con gái, anh chỉ lượn qua quan sát tò mò, như một người lớn nhìn tụi con nít bày biện, thế thôi, mặc dù anh chỉ hơn tôi vài tuổi. Trước sân nhà anh có hai cây bông sứ trắng, những bông sứ rụng đầy sân được kết thành vương miện hóa trang cho bà hoàng, công chúa trong tuồng tích cải lương hay vòng hoa trên cổ những cô gái bên bờ Hạ Uy Di nắng gió. Sau nhà anh trồng vài bụi sắn với những chiếc lá cọng đỏ, xanh, xinh xinh. Chúng là vật liệu để tôi ngắt bẻ thành những tháp chuông nhà thờ. Cả bọn phá như thế đấy, nhưng "Húi Cua" không hề phàn nàn và mẹ anh ấy cũng chỉ cười hiền từ nhắc nhở.


Hàng rào vương đầy chứng tích với manh áo rách, hay lai quần vướng lại, có khi cả vài vết sướt trên da thịt của tôi. Một lần, vết sướt sâu chảy máu làm tôi khóc nức nở, mẹ anh nghe thấy kêu vào, thoa dầu, xát muối khử trùng ; bà rất hiền, chỉ dỗ dành khuyên nhủ : "con gái đừng leo trèo như rứa, thầy (ba tôi) mà biết được thì ăn roi đó". Những khi không "phát minh" được trò nghịch ngợm nào, tôi lại cà rà xem bà rửa chén bên đường mương nhỏ trước nhà, để chờ con tàu chạy qua. Mãi gần đây khi nhận được hình bà qua email anh gởi, hình ảnh quá đổi thân thuộc hiền hòa ấy - chiếc khăn vuông nỉ ca-rô quàng trên vai - đã gợi lại trong tôi biết bao câu chuyện. Thật tiếc,khi biết tin thì bà đã qua đời. Đã bao lần về Quảng Trị, tôi không hề biết để đến viếng thăm.

Lại nhớ hồi đó : chiều chiều, ba tôi thường bắc chiếc ghế dựa, nằm trước hàng hiên hóng gió và quan sát khách ra vào mua hàng, nên muốn ra ngoài chơim tôi phải vượt qua cửa ải quá nhiều khó khăn. Ngại phải bắt gặp ánh mắt nghiêm khắc của ba, tôi đành chọn giải pháp tối ưu là lén trèo qua rào trước ánh mắt nhìn "ngạc nhiên" của anh "Húi Cua". Tôi thích lang thang đi qua đường rầy xe lửa, trước mặt nhà anh, qua cái lô cốt có từ thời Pháp thuộc, để lên đồi hái sim móc và trái trang chín. Ngồi trên đồi cao bạt ngàn hoa tím, nhìn sang bên kia bờ sông, dải cát vàng uốn khúc và những hàng tre lơi lả trước gió như mái tóc dài vừa tắm gội của cô gái mượt mà. Có khi, tiếng sáo diều nghe rất thanh thoát trên cao, đó là khoảng thời gian thật êm đềm và bay bổng, ngắn ngủi của một thời thơ ấu. Sau nầy, ở đó thường có đạn pháo từ bên vùng "bí ẩn" bên kia (Như Lệ, An Đôn) bay qua nên người ta cấm không cho ai lảng vảng quanh đồi nữa.


"Húi Cua" thuôc loại người nghịch ngầm, chỉ nhìn và cười cười chứ chưa bao giờ mở miệng nói điều chi, mặc dù nhiều lúc tôi lục lạo tìm hái cỏ hoa, hay nhảy nhót trên những thanh rây trước sân, không cho anh học bài. Có lẽ anh "Húi Cua" sợ oai ông Đội, ba tôi - với cái roi mây vun vút - nên không dám đe nẹt con gái rượu của ông. Vì thế, hình ảnh "Húi Cua" chẳng đọng lại trong tôi ấn tượng gì, chỉ là gã con trai thấp, đậm người, tóc luôn luôn cắt húi cua đúng nghĩa ; anh hiền lành ít nói, nghiêm tính, thường mặc áo may ô trắng ngồi bên cửa sổ, hay tụ tập chơi đùa trước sân dưới cột điện đường. Kỷ niệm còn chăng lúc bấy giờ chỉ là nụ cười nhẹ thoáng, là một cái tên quen thuộc trong xóm cùng những hình ảnh hay cảnh vật chung quanh. Cũng có thể là gã con trai hay o con gái mới lớn biết e dè, ngượng ngập khi tình cờ gặp nhau trên lối về.

Cách đây ba năm, anh trai tôi gọi điện thọai, bảo :

- Em còn nhớ L. bạn anh không ? Nhà L. ở cạnh nhà mình hồi xưa đó. Cố suy nghĩ nhưng chẳng nhớ ra, ký ức đã quá nhạt nhòa :

- Không ! Em không nhớ.

- Ba L. làm hỏa xa với ba mình, nhà ở Rô-ra-măng ; sau đó, ông đi gòn kiểm tra đường rây xe lửa bị trúng mìn và mất đó. Anh sẽ cho số điện thoại, em đến gặp, thấy mặt là nhớ liền. L. không thay đổi nhiều đâu.

Tò mò, tôi liên lạc, nghe tin ai là người quen hồi nhỏ hay bạn học cũ là lòng nôn nóng muốn được gặp lại, huống chi, đây lại là người cùng xóm. May thay, cái tên "Tuyết Tạo" con thầy trưởng hạt cũng khá ấn tượng nên được anh nhớ ra liền. Anh vui vẻ hẹn gặp vài hôm sau đó.

Lần ấy xui ghê, trời mưa như thác đổ, mọi con đường đều ngập nước. Vì không nhớ mặt nên hai người cứ chạy tới chạy lui, người nam kẻ bắc. Nếu không nhờ cell-phone thì chắc tôi phải bỏ dở ra về. Cuối cùng, anh đứng đợi tôi dưới mái hiên của một ngân hàng (vị trí dễ kiếm). Khi đối diện, tôi nhận ra ngay anh "Húi Cua" ngày xưa : nét mặt quen thuộc, vóc dáng không thay đổi nhiều, dù đã qua mấy chục năm.

Kỷ niệm những ngày xưa thân ái dồn dập hiện về rõ nét :

Những đêm trai gái trong xóm cùng nhau chơi trốn tìm, tè núp tích bắn trước sân, khi len theo con đường có hàng chè tàu rậm rạp để tha hồ trốn kỹ, hoặc băng qua giếng nước bác Thiệu để vòng lại trước đường. Hè đến lại rủ nhau lội xuống ruộng bắt cá. Tôi thường níu áo anh vì sợ đỉa và vốn tính ham chơi nên cứ bám theo các anh. Lúc đó, tôi trông chẳng khác gì con trai, với nước da đen giòn gió nắng. Những chiều êm mát, mấy anh em trèo vào lô cốt giả làm lính Lê-dương, hay đứng trên mái : tay cầm cành cây, miệng thổi súp-lê, đóng vai người điều hành những chuyến tàu đi qua, rồi vỗ tay reo hò chào đón những hành khách trên toa tàu. Thật vui ! Khi vắng tàu, cả bọn lại kéo nhau ra sau nhà, sân cỏ đã biến thành sân bóng. Cả bọn quần thảo trái banh nhựa cách hào hứng ; hay lên giếng máy dưới cây ngô đồng đầy gai gần Ga rồi cùng tập võ với anh Tư, con cô Việt Hồng…Kể sao cho hết những kỷ niệm tuổi thơ ? Và tiếng cười đùa, la hét như còn văng vẳng đâu đây trong ký ức.


"Húi Cua" và anh tôi hay theo để xin tôi tóc chơi trò quay đá dế. Không cho thì bị cấm xem trận ác chiến trong hộp giấy các-tông của mấy cậu dế than đen óng đầy hấp dẫn. May là tôi thuộc loại dày tóc, nếu không thì cũng thành cô bé hói đầu chứ chẳng chơi. Có lần tôi lén mở hộp thả dế ra quay, ai ngờ chúng nhanh chân nhảy ra trốn mất. Chiều về cả hai anh giận tôi lắm nhưng chẳng ai dám đụng tới con nhỏ lì nầy. Chú dế như chọc tức, cứ đêm xuống lại gáy "o.o." đâu đó dưới khe cửa, hay chân bàn, kẹt tủ. Không biết sau nầy hai anh có tìm ra được không, tôi chỉ nhớ họ cứ lọ mọ, chổng mông nghe ngóng. Chơi chán, anh ở lại luôn nhà tôi, cùng học và ngủ với anh T. Mỗi lần như thế, mẹ anh lại đi tìm ; nhưng bà yên tâm quay về khi thấy con mình đang ngồi cặm cụi trên bàn học. Thời gian sau khi ba anh mất, căn phòng ấy trả lại cho Hỏa Xa. Năm ấy, hình như anh đang học lớp đệ Lục, còn tôi chỉ mới học lớp Nhất - bậc tiểu học -, anh theo gia đình ra phía ngoài gần xóm Cầu Sống,

Lờ mờ trong ký ức, hồi đó, thỉnh thoảng tôi thường ra ăn bún ở một quán ăn, hình như người nhà mẹ anh là chủ. Tôi ít thấy anh, chỉ thỉnh thoảng gặp nhau trên đường về. Lúc ấy cả hai cũng đã lớn nên không còn thân mật tự nhiên như trước. Anh tôi bắt đầu có những bạn học mới nên anh "Húi Cua" không vào nhà ở lại thân thiết như xưa nữa.

Bây giờ, anh chẳng còn là "Húi Cua" mộc mạc, hiền lành, ít nói của ngày nào. Trước mặt tôi là một người đàn ông với nét mặt cương nghị, dày dặn. Khi sự xúc động vì gặp lại bóng dáng thân quen, khi hình ảnh con đường, hàng cây ngọn cỏ cùng tiếng còi tàu bi tráng mỗi chiều lắng đọng, khi sự mừng rỡ thân thiện mất dần, tôi trở về thực tế : dè dặt trong từng câu nói, từng cử chỉ. Một cảm giác xa lạ, mất mát bỗng đến trong lòng…Thời gian và hoàn cảnh có khả năng thay đổi nhiều thứ, từ hình dáng, điệu bộ bên ngoài đến cảm xúc, suy nghĩ bên trong.

"Húi Cua" ơi ! Tôi thật sự hụt hững, thất vọng…..


Thế rồi, thời gian...Đôi lần tình cờ gặp lại anh vào những lần họp mặt cựu học sinh Nguyễn Hoàng, tôi vẫn mang cảm giác xa lạ không sao diễn tả, dù cả hai vẫn nở nụ cười và thăm hỏi giao tiếp. Thú thật, tôi nghĩ anh bây giờ vì công việc trên thương trường, nên tính cách không nhiều thì ít cũng phải thay đổi. Tôi tránh tiếp xúc vì sợ hiểu lầm là "thấy sang bắt quàng làm họ". Thật ra, tôi chẳng có lý do gì để tự mang tâm trạng mặc cảm, nhưng khoảng cách thời gian, tuổi tác vẫn cứ là ranh giới khó vượt qua...

Cho đến một ngày, biết anh vẫn nhớ bạn bè và âm thầm làm những việc tốt như : nhường cơm sẻ áo cho những anh em cựu học sinh Nguyễn Hoàng còn gặp khó khăn trong cuộc sống, là người con hiếu nghĩa với mẹ, là người anh có trách nhiệm thương yêu em út, cách nhìn của tôi đã thay đổi đôi chút về anh "Húi Cua".

Hôm gặp lại, anh tranh thủ hỏi thăm những người cùng xóm và tha thiết nhờ tôi tìm Nô "Tây lai", con trai cô Thái cùng xóm - người đã giúp gia đình anh an toàn đi vào Nam trong cơn biến loạn - ; nhờ hình dáng dễ nhận diện, anh nhờ tôi tìm hiểu hoàn cảnh và tạo điều kiện sinh sống cho anh ấy. Tôi chợt nhận ra anh vẫn là anh "Húi Cua", đầy tình làng nghĩa xóm ; con tim ấy vẫn là con tim có những thổn thức rất riêng, đầy tình nhân ái như xưa.

Tôi không quá lý tưởng để nghĩ toàn những điều hay cho bản thân mình hay cho một người nào đó. Lại càng không muốn tô điểm thêm tính cách, vì thử hỏi đã mấy ai là người toàn thiện. Tôi chỉ cảm nhận ở anh những gì tôi hiểu, đó là chân, là thiện, là mối tương quan giữa người và người luôn có nét đáng yêu. Và nếu như anh đọc những dòng cảm nghĩ nầy, xin anh hãy xem như tôi đã xin lỗi về những suy nghĩ trong thời gian trước, anh "Húi Cua" nhé ! Chúc "Húi Cua" luôn khỏe, vui vẻ, và tiếp tục đạt nhiều thành công trong công việc, để làm được những điều thiết thực cho bạn bè, cho những ai cần sự chia sẻ của anh.


Sài Gòn 2010

Quang Tuyết







Không có nhận xét nào:

Người theo dõi